Sống khoẻ

Cách nhìn nhận từ trong gia đình về giáo dục giới tính

Theo truyền thống văn hóa Á Đông, các cha mẹ ở Việt Nam ít trao đổi với con cái về chủ đề sức khỏe liên quan đến tuổi dậy thì, tình dục, sức khỏe sinh sản (nói chung là giáo dục giới tính).

Trong khi đó, lứa tuổi 10-17 có nhu cầu rất cao trong việc được trang bị kiến thức và kỹ năng để ứng phó với các vấn đề trong cuộc sống, cũng như hiểu được các vấn đề về giới tính.

Hạn chế kiến thức về giới tính từ cha mẹ
Trong các gia đình Việt Nam, cha mẹ có xu hướng lảng tránh trao đổi và cung cấp cho con cái vị thành niên các kiến thức giới tính. Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới cho thấy, chỉ có hơn một nửa (62,1%) cha mẹ trong mẫu khảo sát cho thấy họ có trao đổi hoặc hướng dẫn trẻ em VTN về các vấn đề liên quan đến sức khỏe tuổi dậy thì. Sự hạn chế trao đổi của cha mẹ đối với con cái VTN về chủ đề sức khỏe sinh sản một phần do quan điểm về việc không nên "vẽ đường cho hươu chạy", một phần còn e ngại vì cho rằng đây là điều tế nhị và một phần do khó khăn không biết phải nói/truyền đạt cho con thế nào, và bên cạnh đó một bộ phận cha mẹ cảm thấy "bối rối" hoặc "xấu hổ", hoặc không đủ kiến thức để giải thích về chủ đề này cho trẻ VTN.

Sự thiếu kiến thức và tâm lý e ngại của cha mẹ khi trao đổi hoặc dạy bảo con cái tuổi VTN về vấn đề liên quan đến SKSS không chỉ là những rào cản làm hạn chế mức độ và chiều sâu trong giao tiếp giữa bố mẹ và con cái về chủ đề này, mà còn cho thấy mức độ bảo vệ hạn chế của gia đình đối với các rủi ro mà trẻ VTN có thể phải đối mặt như nguy cơ có thai ngoài ý muốn, hoặc các rủi ro liên quan đến các bệnh lây lan qua đường tình dục, trong đó có HIV/AIDS, và nguy cơ bị xâm hại tình dục.

Từ góc độ tiếp cận quyền trẻ em, thực trạng này cho thấy hạn chế về trách nhiệm của gia đình đối với việc đảm bảo thực hiện quyền chăm sóc sức khỏe (CSSK) trẻ em một cách toàn diện đối với nhóm tuổi VTN đặc thù này. Trong mẫu khảo sát của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới cho thấy, có đến 1/5 trẻ em trong mẫu khảo sát không nhận được lời giải đáp của cha mẹ khi các em có thắc mắc hoặc hỏi cha mẹ các kiến thức về tuổi dậy thì và giới tính. Tỷ lệ đa số còn lại cho biết cha mẹ trì hoãn trả lời, hoặc lảng tránh trả lời. Một bộ phận còn lại thì quát mắng hoặc đề nghị con nhờ người khác giải thích. Ngoài ra, cũng có điểm đáng lưu ý là có sự khác biệt giới trong mối quan tâm trao đổi của cha mẹ về chủ đề SKSS cho con trai và con gái. Theo đó, trẻ em gái được cha mẹ quan tâm nhiều hơn về chủ đề này so với trẻ em trai, đặc biệt là nguy cơ bị xâm hại, quấy rối tình dục.


Việc nâng cao nhận thức về vấn đề này cho VTN cần có sự phối hợp đồng bộ từ gia đình, nhà trường, xã hội, và đặc biệt là sự hỗ trợ đối với gia đình từ phía Nhà nước.

Các bậc cha mẹ cần chủ động nâng cao nhận thức về đặc trưng tâm sinh lý và sự phát triển đặc thù của trẻ em VTN, đặc biệt là các kiến thức về tuổi dậy thì và sức khỏe sinh sản gắn với độ tuổi VTN…

Nhà nước cần quan tâm đầu tư đối với các chương trình nâng cao nhận thức và sự hiểu biết cho cha mẹ về các đặc trưng tâm sinh lý của lứa tuổi VTN 10- 17 tuổi, các rủi ro liên quan đến SKSS của lứa tuổi này, cũng như trang bị cho các gia đình các kỹ năng giao tiếp về chủ đề dậy thì, tình dục để gia đình thực hiện tốt quyền CSSK cho trẻ em VTN, bao gồm bảo vệ trẻ em khỏi các hành vi nguy cơ liên quan đến sinh hoạt tình dục trước hôn nhân và có thai hoặc có con ở tuổi vị thành niên. Có thể cân nhắc phát triển và nâng cao hiệu quả của biện pháp tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông hiện đại để cha mẹ dễ tiếp cận, như: Lập trang chuyên đề thực hiện quyền trẻ em trên mạng, tuyên truyền qua mạng xã hội… Nhà nước cũng cần có biện pháp và chế tài nghiêm khắc trong việc quản lý trật tự và an toàn xã hội, ví dụ các hiện tượng lôi kéo, dụ dỗ trẻ em vào các tệ nạn xã hội, xâm hại trẻ em, bảo vệ trẻ em. Đây cũng là sự hỗ trợ của nhà nước đối với gia đình trong việc thực hiện quyền bảo vệ trẻ em khỏi các nguy cơ từ môi trường bên ngoài xã hội.

Đối với nhà trường, cần đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động phối hợp với gia đình trong việc cung cấp các kiến thức và kỹ năng về SKSS cho học sinh tuổi VTN.  Hiện nay sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình mới chỉ chủ yếu tập trung vào việc học tập và rèn luyện đạo đức cho học sinh mà chưa quan tâm đến chủ đề này. Nhà trường cũng cần đề xuất với ngành giáo dục để tăng cường các môn/giờ học về kỹ năng sống cho học sinh, đặc biệt là học sinh tuổi vị thành niên, về các kỹ năng tự bảo vệ bản thân, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng ra quyết định và các kỹ năng liên quan đến sức khỏe sinh sản tuổi vị thành niên. Ngoài ra, nhà trường cũng cần tăng cường hoạt động ngoại khoá tuyên truyền về sức khỏe sinh sản và kỹ năng tự bảo vệ bản thân khỏi các rủi ro về SKSS và các nguy cơ bị quấy rối, xâm hại tình dục.

Đối với gia đình, là yếu tố quan trọng nhất, các bậc cha mẹ cũng cần chủ động nâng cao nhận thức về đặc trưng tâm sinh lý và sự phát triển đặc thù của trẻ em VTN, đặc biệt là các kiến thức về tuổi dậy thì và sức khỏe sinh sản gắn với độ tuổi VTN. Điều này không chỉ giúp các cha mẹ khắc phục được sự bối rối, e ngại khi trao đổi với con cái VTN về chủ đề giới tính, mà còn bảo vệ con cái khỏi các hành vi nguy cơ, các rủi ro liên quan đến SKSS và nguy cơ bị quấy rối, xâm hại tình dục. Cởi mở, không phán xét, không dò xét trẻ khi trẻ chia sẻ, thảo luận các vấn đề trẻ quan tâm, nhất là các vấn đề nhạy cảm của lứa tuổi vị thành niên là điều mà các cha mẹ nên thực hiện. Ngoài ra, cha mẹ cũng cần tôn trọng, lắng nghe trẻ khi trẻ chia sẻ những quan điểm cá nhân và tạo điều kiện, hoặc khích lệ trẻ em nêu các ý kiến, bày tỏ nguyện vọng và chia sẻ các khó khăn trong cuộc sống hàng ngày của các em, bao gồm những khó khăn liên quan đến mối quan hệ lãng mạn tuổi học trò.

Bách Nguyên (Theo songkhoe)

Cùng thể loại

About Us

The argument in favor of using filler text goes something like this: If you use arey real content in the Consulting Process anytime you reachtent.

Instagram