Collagen tập trung nhiều nhất ở lớp hạ bì, tạo độ săn chắc, đàn hồi, căng mịn cho làn da và làm lành vết thương. Tuy nhiên, theo tuổi tác, lượng collagen bị suy giảm một cách tự nhiên nên cần bổ sung thông qua chế độ ăn uống.
PGS.TS. Nguyễn Thanh Hà, giảng viên cao cấp Bộ môn Dinh dưỡng và ATTP, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y tế Công cộng chia sẻ.
Collagen là một loại protein chiếm khoảng 25 – 35% tổng lượng protein của cơ thể và chiếm tới 70% cấu trúc da.
Collagen chủ yếu phân bổ ở lớp hạ bì, tạo thành các mô liên kết tế bào giúp tạo nên độ săn chắc, độ đàn hồi và mịn màng của làn da.
Theo thời gian, collagen giảm dần trong cơ thể, ở độ tuổi trung niên cứ mỗi năm có từ 1 - 1,5% lượng collagen bị mất đi, dẫn đến mô liên kết của tế bào da ngày càng suy yếu, lỏng lẻo, khiến da chảy xệ và hình thành nếp nhăn.
Cách bổ sung collagen cho cơ thể
Một chế độ dinh dưỡng tốt sẽ góp phần bổ sung collagen cho cơ thể. Để tạo ra collagen, cơ thể cần được cung cấp đủ protein cũng như các acid amin cần thiết. Bên cạnh đó vitamin C cũng giúp tăng cường hấp thu và chuyển hóa protein trong cơ thể vì vậy một chế độ ăn giàu protein và vitamin C sẽ giúp cải thiện collagen.
Các thực phẩm giàu protein và collagen tự nhiên có nhiều trong các thực phẩm như cá ăn cả da, thịt gà cả da, lòng trắng trứng, tảo biển... Đậu và các loại hạt cũng là loại thực phẩm giàu protein và các axit amin cần thiết cho quá trình tổng hợp collagen.
Thực phẩm chứa nhiều collagen.
Bên cạnh đó chúng còn cung cấp khoáng chất như đồng, kẽm, phospho, canxi, magie rất cần thiết để sản xuất collagen. Nhóm này gồm đậu đỏ, đậu hà lan, đậu nành, hạt điều..
Các thực phẩm giàu vitamin C giúp tăng cường chuyển hóa protein, chống oxy hóa, ngăn chặn sự hình thành các gốc tự do và kích thích cơ thể sản sinh collagen để duy trì độ đàn hồi cho da, làm chậm quá trình lão hóa.
Nhóm thực phẩm có nhiều vitamin C như các loại quả có múi như cam, quýt, bưởi; các loại rau có màu xanh đậm (rau ngót, các loại cải, rau xà lách xoong, súp lơ, rau bina và các loại rau xà lách); quả màu sặc sỡ (cà chua, dưa hấu..).
Bên cạnh đó một số nhóm thực phẩm khác cũng thúc đẩy quá trình sản sinh collagen trong cơ thể. Cụ thể, các thực phẩm giàu Omega- 3 có nhiều trong các loại cá biển như cá hồi, cá thu, cá ngừ, cá trích...), hạt chia, hạt óc chó, đậu nành và quả bơ,... đặc biệt tốt cho da như ngăn sự mất nước trên da, thúc đẩy quá trình sản xuất collagen, giảm nguy cơ lão hóa một cách hiệu quả.
Các loài động vật có vỏ có xương như tôm, hàu, sò.. rất giàu collagen, vitamin nhóm B, vitamin D và chất khoáng cũng vô cùng tốt cho làn da.
Ngoài chế độ ăn để khắc phục quá trình lão hóa cho da, bạn cũng có thể bổ sung collagen từ bên ngoài, tuy nhiên cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
Hút thuốc: Hút thuốc trực tiếp hoặc hút thuốc thụ động (bị ảnh hưởng bởi khói thuốc lá) làm giảm sản xuất và gây tổn thương collagen dẫn đến da kém đàn hồi, xuất hiện nếp nhăn và khiến vết thương chậm lành.
Nicotine có trong thuốc lá còn làm co các mạch máu gần bề mặt da, ngăn cản việc cung cấp oxy và chất dinh dưỡng do da gây nếp nhăn, đặc biệt ở trán, nếp gấp mũi và má…
Ăn quá nhiều đường: Các collagen và sợi elastin trong da bị ảnh hưởng rất nhiều từ lượng đường trong máu. Theo đó khi lượng đường tăng, sẽ tác động lên làn da bằng cách phá vỡ collagen, khiến bạn lão hóa nhanh hơn.
Điều này xảy ra thông qua một quá trình gọi là "glycation". Tức là khi glucose gắn vào các protein trong cơ thể, bao gồm cả collagen và elastin (là các protein có tác dụng giữ độ đàn hồi cho da), quá trình này làm cho các protein khó phục hồi, dẫn đến các nếp nhăn và dấu hiệu lão hóa.
Tiếp xúc với tia cực tím: Quá nhiều ánh sáng mặt trời làm giảm sản xuất collagen và khiến collagen bị phá vỡ nhanh hơn gây ra nếp nhăn trên da. Do đó, để tránh gây tổn hại cho da, bạn cần tránh tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời trong khoảng từ 10h sáng đến 3h chiều là lúc có nhiều tia cực tím nhất và luôn bôi kem chống nắng (có SPF 30 trở lên) khi ra ngoài.
Bách Nguyên (Theo lamdep)