Những cơn mưa bất chợt ở Sài Gòn tưới mát thành phố nhưng sự thay đổi bất ngờ về khí hậu từ nóng chuyển sang ẩm cũng phát sinh nhiều bệnh nếu bạn không chủ động phòng ngừa.
Sau đây là 3 loại bệnh dễ gặp nhất ở trẻ, phụ huynh cần lưu ý để biết cách phòng tránh và chữa trị phù hợp:
Sốt xuất huyết là một loại bệnh rất nguy hiểm, dấu hiệu nhận biết không rõ ràng. Nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong.
Bệnh xảy ra quanh năm nhưng vào mùa mưa số ca bệnh tăng cao do muỗi sinh sản, phát triển mạnh. Báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, chỉ tính riêng 3 tuần đầu tháng 6, toàn thành phố có 328 trường hợp bị sốt xuất huyết nhập viện và đối tượng chủ yếu là trẻ em dưới 15 tuổi.
Sốt xuất huyết ở trẻ em và người lớn đều được thể hiện bằng biểu hiện sốt cao, đột ngột và liên tục 2 – 7 ngày, khó hạ sốt, đau cơ, đau khớp, buồn nôn, nôn, đau bụng, đau đầu. Sau thời gian vài ngày, ở người bệnh sẽ thấy dấu hiệu phát ban, xuất huyết theo nhiều dạng khác nhau như chảy máu cam, đốm xuất huyết dưới da, nôn, đi tiêu ra máu…
Đa số các trường hợp sốt xuất huyết ở giai đoạn đầu (chưa có biểu hiện xuất huyết) đều được điều trị tại nhà. Nhưng điều này không có nghĩa rằng biến chứng không xảy ra. Chính vì vậy, các bé cần được theo dõi sát sao để kịp thời xử trí trước những biến chứng.
Để phòng chống bệnh sốt xuất huyết, người dân cần tích cực thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng, diệt muỗi và tránh bị muỗi đốt. Bên cạnh đó, người dân cần phối hợp với chính quyền và y tế địa phương trong công tác phun hoá chất diệt muỗi để phòng chống dịch sốt xuất huyết.
2. Bệnh tay chân miệng
Trong 3 tuần qua, toàn thành phố cũng ghi nhận 427 ca bệnh tay chân miệng nhập viện. Bệnh tay chân miệng đối tượng chủ yếu mắc phải là trẻ em nhưng người lớn cũng dễ bị nếu không vệ sinh sạch sẽ, đi mưa dầm nước bẩn hay lây từ người tiếp xúc.
Biểu hiện chính là sang thương da niêm dưới dạng bọng nước ở các vị trí đặc biệt như miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông và gối. Trẻ thường sốt nhẹ, chán ăn, mệt mỏi, đau họng, ho, đau bụng, nổi ban đỏ trên da, miệng có những vết loét thường có đường kính từ 4-8mm khiến bé gặp khó khăn khi nuốt. Với những dấu hiệu bệnh chân tay miệng này nhiều cha mẹ lầm tưởng bé bị viêm loét miệng thông thường. Tuy nhiên, cha mẹ cần đưa trẻ tới cơ sở y tế để chẩn đoán chính xác bệnh.
Để chủ động phòng chống bệnh tay chân miệng, mọi người và nhất là trẻ em, người chăm sóc trẻ nên thực hiện 3 sạch: ăn uống sạch; ở sạch; bàn tay sạch và chơi đồ chơi sạch. Mọi người cần rửa tay nhiều lần trong ngày bằng xà phòng dưới vòi nước sạch, thực hiện tốt vệ sinh ăn uống. Thường xuyên lau chùi các bề mặt tường, sàn nhà, đồ vật, tay nắm cửa, vịn cầu thang đặc biệt là đồ chơi, vật dụng học tập của trẻ bằng các dung dịch tẩy rửa, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh.
3. Bệnh về đường hô hấp
Thời tiết thay đổi tạo điều kiện cho vi trùng, vi rút sinh trưởng mạnh khiến các bệnh như cảm sốt, nhức người, ho đàm, viêm phế quản, viêm họng… dễ tấn công, đặc biệt ở trẻ em, người già và phụ nữ đang mang thai.
Để phòng ngừa, người dân cần tiêm ngừa cảm cúm một năm 2 lần. Tiêm ngừa viêm phổi. Khẩu phần ăn giàu vitamin, trái cây, các loại rau xanh, hải sản… Lưu ý giữ ấm để cơ thể không bị cảm lạnh. Những bệnh nhân bị viêm nặng như viêm phế quản hay phổi cần phải đến bác sĩ khám để được chuẩn đoán đúng và uống thuốc phù hợp với từng trường hợp.
Bách nguyên (Theo suckhoegiadinh)