Lẩu càng ngày càng được ưa chuộng trong các cuộc tụ tập, hội hè, nhưng không phải ai cũng biết thưởng thức nó theo cách an toàn nhất.
Ăn lẩu ở nhà ta có thể yên tâm về vệ sinh. Hiển nhiên rau sẽ được ngâm kỹ, xục ozon chứ không nháo nhào đưa qua vòi nước. Thịt, cá sẽ được chọn kỹ, và đảm bảo tươi sống chứ không phải những thứ được lưu cữu ngày này tháng khác trong tủ lạnh. Nước dùng chắc chắn sẽ ngọt nhờ xương ninh, hầm kỹ chứ không phải những thứ "giơì ơi" bỏ vào nồi mà không ai biết nó hình dáng ra sao, độc hại thế nào.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có thời gian để nấu lẩu ở nhà. Giải pháp phổ biến hơn là ra đường. Vừa tiện, vừa đỡ kích rích, lại có thể chiều được nhiều người với nhiều khẩu vị khác nhau. Và thích nhất là có thể ăn lâu, lai rai tùy thích.
Bên cạnh đó, lẩu cũng phong phú ở nhiều mặt. Nguyên liệu có thể là bất cứ thứ gì. Thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản, thú rừng cho tới các vị thuốc, các loại lâm thổ sản, rau đậu, hoa trái… đều có thể làm lẩu. Nồi để nấu cũng phong phú không kém, người ta có thể dùng từ nồi đất, nồi nhôm, đến nồi đồng nhiều ngăn hoặc kim loại không rỉ. Nhiên liệu dùng cũng đa dạng: than, cồn, điện, ga để đun sôi… Chính sự phong phú này khiến người ra đường ăn lẩu cũng lắm, mà hàng lẩu, phố lẩu mọc lên cũng nhiều.
Điều đáng nói là ở hàng quán, bạn khó có thể tìm cho mình một nồi lẩu thật ngon lành. Tiện, nhiều, rẻ nhưng không hẳn đã đi kèm chất lượng. Ở quán, nước dùng… dùng chung cho tất cả loại lẩu, gia vị cũng không nhiều và sẵn. Nhất là khâu vệ sinh thì khó mà kiểm chứng. Người ta vẫn "bán tín bán nghi" về chất lượng cũng như ảnh hưởng của nó tới sức khỏe của loại gia vị – "gói lẩu" của Trung Quốc. Chúng thường được cho vào lẩu để tăng hương vị và độ ngọt giống như nước xương hầm, nhưng chắc chắn không thể thay thế được xương ninh bổ dưỡng theo phong cách truyền thống. Thế nên, khi ăn lẩu ngoài phố, bạn nên nhớ những lưu ý sau:
Tiêu chí chọn quán. Để đảm bảo có một nồi lẩu ngon, an toàn hãy chọn quán chuyên về một loại như: lẩu gà, lẩu nấm, lẩu lươn hay lẩu thái… đã có uy tín được mọi người biết đến.
Tùy tạng mà chọn lẩu. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, lẩu nào cũng giàu đạm, cũng tốt cho sức khỏe, nhưng với người sức khỏe và cơ địa kém chỉ nên ăn những loại lẩu lành tính như gà, cá, hải sản, bò… không nên "thử" các loại lẩu có vị, loại thịt lạ, quá giàu đạm, nóng khiến cơ thể dị ứng hoặc không tốt cho đường tiêu hóa và các cơ quan bài tiết khác.
Độ tươi của nguyên liệu. Nguyên liệu dùng cho lẩu phải tươi ngon, không dị vị, làm ngay và ăn ngay. Nguyên liệu theo mùa nào thức đấy là đảm bảo yêu cầu nhẩt. Đồng thời, trong một nồi lẩu không nên có quá nhiều nguyên liệu, vì sự kết hợp quá nhiều một lúc chưa chắc đã tốt, không những mất chất mà còn tạo ra chất gây độc cho cơ thể.
Đong đếm các thành phần dinh dưỡng. Thịt, rau là chính nhưng vẫn chưa đủ phải có thêm tinh bột của đậu, mì, miến, bún, bánh đa… để cân bằng dinh dưỡng và thẩm thấu các thức ăn khác và dịch vị khi dạ dày tiết ra. Do mải trò chuyện, nhiều người quên mất món phụ này, khi ăn lẩu xong vẫn có cảm giác thiếu thiếu, dạ dày không yên nên nhanh đói.
Nước chấm tùy món. Mỗi loại nguyên liệu có nước chấm khác nhau, lẩu vịt ăn với xì dầu, tương với thịt bò, thịt bê, dê. Tim cật chấm nước mắm nguyên chất, tôm cá có thể chấm sốt mayonaise, tương ớt. Một số gia vị như bột canh, muối ớt, mắm tỏi ớt có thể dùng cho các loại rau, thực phẩm khác nhau.
Cách ăn an toàn. Những nguyên liệu nấu trước để gần nồi lẩu, nguyên liệu nấu sau thì để xa hơn một chút. Nên có hai loại đũa: đũa dùng để nhúng thức ăn sống, và đũa ăn. Điều này vừa giúp giữ vệ sinh cho mình, vừa tỏ được phép lịch sự với người cùng ăn.
Bách Nguyên ( Theo Suckhoegiadinh )