Giải trí

Triển lãm tranh với chủ đề "Lắng" của hoạ sĩ Lê Văn Thìn

Hoạ sĩ Lê Văn Thìn đã mang đến triển lãm cá nhân mang tên \"Lắng\" 25 tác phẩm chất chứa cảm xúc, nỗi niềm muốn gửi gắm đến công chúng.

"Lắng" là nhan đề triển lãm cá nhân của họa sĩ Lê Văn Thìn, sau những triển lãm tên tuổi kết hợp cùng nhiều họa sĩ khác. Triển lãm bao gồm 25 tác phẩm, chất chứa cảm xúc, nỗi niềm mà họa sĩ Lê Văn Thìn muốn gửi gắm đến công chúng.


Họa sĩ Lê Văn Thìn (Ảnh: Ban Tổ chức)

Nhà nghiên cứu Phạm Minh Quân nhận xét: "Những tác phẩm lần này mang tính ưu tư và đa mang nhất của Lê Văn Thìn. Không còn là những bức tranh đề tài "tĩnh", gợi mỹ cảm về cái đẹp hữu tình như phong cảnh, phụ nữ, hoa, hay cổ điển như mô-típ loài vật thần thoại, dân gian như rồng, phượng… đã rất quen thuộc trong tranh sơn mài nói chung.

Thay vào đó, là những ấn tượng sống động, va đập vào thị giác người xem, thậm chí gây ám ảnh. Lê Văn Thìn không vẽ những gì ông đơn thuần thấy. Chúng là những hình ảnh có thực, nhưng được họa sĩ chuyển dụng vào hội họa, thông qua ngôn ngữ sơn mài.


Những hình ảnh này, trải qua bộ lọc suy niệm của họa sĩ, ngưng tụ và lắng đọng, trở nên chín muồi, "ngấu" với biểu năng diệu kỳ".

"Cấu trúc gieo nét, gieo mảng, gieo màu mới lạ… đã không giống ai, lại hình như cởi thoát những ràng buộc nặng lòng hơn 30 năm theo đuổi sơn mài trắng, gồ ghề, gân guốc của chính mình", đó là nhận xét của họa sĩ Ngô Xuân Bính.


Hai hoạ sĩ thân thiết Ngô Xuân Bính và Lê Văn Thìn

Họa sĩ Lê Văn Thìn là người hoạt động sáng tạo nghệ thuật nghiêm túc như cách họa sĩ Trần Luân Tín nói về ông: "Từ "sơn mài trắng" duyên dáng, riêng tư đến những đứt đoạn gai góc về ký ức chiến tranh, ký ức Hà Nội, bây giờ thì lắng vào vẻ đẹp bên trong, vào với ưu tư, với những âm ba ngẫm ngợi.

Vẫn là vỏ sò vỏ ốc mà luôn luôn mới. Bao nhiêu nhọc nhằn luôn luôn được kết thúc một cách nhẹ nhàng. Có gì hạnh phúc hơn. Những mặt tranh như là gương soi. Họa sĩ, tâm tư, tình yêu và lao động".


Ngô Xuân Bính và Lê Văn Thìn chơi thân với nhau vì có lẽ họ đồng điệu cả về cảm xúc lẫn tâm hồn. Bản thân hai họa sĩ đã đồng hành cùng nhau qua hai cuộc triển lãm: "Du & Dội" năm 2017 và "Niệm" năm 2019.


Ngô Xuân Bính là một nghệ sĩ đa tài, ông cảm nhận hội họa Lê Văn Thìn theo cách riêng của mình. Nói Ngô Xuân Bính hiểu Lê Văn Thìn và tư duy sáng tác của ông cũng chẳng sai.


Một tác phẩm của họa sĩ Lê Văn Thìn (Ảnh: Ban Tổ chức)

Với họa sĩ Lê Văn Thìn, chỉ có lao động mới tạo ra sự đổi mới trong sáng tạo. Đó luôn là nỗi niềm mà ông cần phải giải tỏa và hiện thực. Bản thân ông không muốn đi theo những gì được xem là truyền thống nhưng lại phát triển thêm những gì được cho là "lạ và mới" dựa trên những cái đã "cũ".


Ông triển khai dựa trên một phác thảo cho trước, nhưng rồi đến khi cảm giác nó không còn giống như ý tưởng ban đầu hay trở nên bế tắc, ông lại để sự vô thức mặc sức phóng túng phát triển trên tác phẩm (Ảnh: Ban Tổ chức)

Nhà nghiên cứu Phạm Minh Quân cho rằng: "Nếu dùng truyền thống và hiện đại để làm căn cứ xét đoán, thì lần này họa sĩ Lê Văn Thìn "đi bộ trên dây". Bởi nói vui thì sơn mài của ông, nếu dựa trên tiêu chí hà khắc của sơn mài truyền thống, đã không còn là sơn mài".


Để rồi, sơn mài của Lê Văn Thìn bỗng trở thành một thứ nghệ thuật khác biệt (Ảnh: Ban Tổ chức)

Bản thân họa sĩ Lê Văn Thìn cũng thẳng thắn thừa nhận, điều duy nhất còn sót lại của sơn mài truyền thống trong tạo tác mới của ông là "vẽ ngược", mài lên để thấy hình, tương phản với kiểu "vẽ xuôi" của sơn dầu.


Một số tác phẩm khác:



Họa sĩ Lê Văn Thìn (SN 1952), là Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Ông tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật năm 1981 và là giảng viên khoa Tạo dáng Công nghiệp, Viện Đại học Mở Hà Nội. Ông từng tham dự nhiều triển lãm mỹ thuật trong và ngoài nước như Triển lãm mỹ thuật châu Á Philip Morris; triển lãm nghệ thuật quốc tế tại Paris, Bắc Kinh, Seoul; triển lãm Giao cảm (cùng Triệu Khắc Lễ), Yêu (cùng Trần Ngọc Hưng), Du & Dội (cùng Ngô Xuân Bính), Niệm (cùng Ngô Xuân Bính, Đặng Tin Tưởng, Đào Trọng Cường). Ngoài ra ông còn có tranh trong các bộ sưu tập tại Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản…

Linh An

 

Cùng thể loại

About Us

The argument in favor of using filler text goes something like this: If you use arey real content in the Consulting Process anytime you reachtent.

Instagram