Tin tức

Thí nghiệm tàn nhẫn nhất lịch sử khoa học thế giới

Trên thực tế, có rất nhiều thí nghiệm khoa học không được thực hiện dựa trên tiêu chuẩn về đạo đức và pháp luật, gây ra những hậu quả khôn lường. Và thí nghiệm hãi hùng đối với trẻ em của giáo sư John B. Watson cũng được liệt vào một trong những thí nghiệm gây tranh cãi nhất từng được thực hiện.

"Albert bé nhỏ" – Little Albert là thí nghiệm độc lạ khiến bất kì ai nghe tới cũng phải rùng mình bởi những trải nghiệm tâm lí kinh hoàng lẫn tai tiếng mà nó mang lại cho trẻ em. Thí nghiệm "Albert bé nhỏ" đã khiến cho một em bé chưa tròn tuổi phải sống trong nỗi sợ hãi trước những thứ vô tri em chưa từng gặp.


Giáo sư John B. Watson.

Vào năm 1920, giáo sư John B. Watson tới từ viện y khoa Johns Hopkins đã nảy ra ý tưởng mà bản thân cho là thú vị sau khi đọc được nghiên cứu về phản xạ có điều kiện của Ivan Pavlov. Cụ thể, Ivan Pavlov đã tìm ra cơ chế hoạt động của phản xạ này khi thực hiện rung chuông cho chó ăn. Mỗi khi nhìn thấy thức ăn, chú chó lại tiết nước bọt. Về sau, Ivan kết hợp cả rung chuông báo hiệu, khiến chú chó cũng theo phản xạ mà ứa nước miếng dù nó có được cho ăn hay không.

Watson vô cùng tò mò. Ông rất muốn thực hiện một thử nghiệm mới để xem nó có ứng nghiệm với con người không.


Albert B chơi đùa với một chú chuột bạch.

Watson chọn một bé trai 9 tháng tuổi có tên Albert B, hay còn được gọi là "Albert bé nhỏ" để tham gia thí nghiệm. Ông tin rằng, trẻ nhỏ sẽ cho kết quả thí nghiệm rõ nhất bởi các em vẫn còn là tờ giấy trắng.

Mặc dù không còn nhiều giấy tờ ghi chép về thử nghiệm này được giữ lại nhưng người ta khẳng định Watson đã chọn Albert tại một bệnh viện nằm trong Đại học John Hopkins khi bé mới 8 tháng 26 ngày tuổi. Albert có vẻ ngoài khá "lạnh lùng" và ít khóc. Điều này khiến Watson vô cùng ấn tượng.


Người ta đeo mặt nạ Santa Claus để thử phản ứng của Albert.

Ban đầu, bé được cho coi một con chó, một con thỏ trắng, một con chuột trắng và một chiếc mặt nạ Santa Claus. Như bao đứa trẻ khác, Albert vô cùng thích thú và chẳng hề sợ hãi trước những thứ kì lạ. Albert thậm chí cũng chẳng hề khóc thét lên khi nhìn thấy giấy đang cháy trước mặt.


Sau đó cho em tiếp xúc với một chú chó hiền lành.

Tuy nhiên, tới khi Albert được 11 tháng 3 ngày, Watson lại tiếp tục thử nghiệm này. Ông đưa Albert một chú chuột bạch. Theo thói quen, Albert lân la tiến tới. Ngay khi bé chạm vào con vật, Watson đột nhiên đánh một thật mạnh vào thanh thép phía sau, gây ra hồi chuông inh tai và chát chúa. Albert lập tức hoảng sợ và khóc ré lên. Watson tiếp tục lặp đi lặp lại nhiều lần và khiến Albert phải sợ chuột như một phản xạ.

Về sau, em không chỉ sợ chuột mà còn bắt đầu thấy sợ những con thú, sợ mặt nạ Santa và thậm chí cả những thứ không liên quan như áo khoác lông trắng bởi cảm giác mềm mại khi sờ tới.

Mẹ của Albert đã được nhận khoản phí trị giá 1 USD (khoảng 12 USD hiện nay) sau khi cho con mình tham gia thử nghiệm này. Nhiều chuyên gia cho rằng, bà đồng ý chỉ vì sợ mất công việc y tá ở bệnh viện.

Về một khía cạnh nào đó của thực nghiệm khoa học, thí nghiệm trên cũng cho thấy mặt có lợi. Rõ ràng là ở tuổi của Albert, sẽ chẳng có phụ huynh nào muốn con bị chuột cắn cả. Albert sợ chuột và tránh xa nó là điều đương nhiên. Thế nhưng, chính Watson cũng đặt giả thiết rằng Albert sẽ sợ tất cả mọi thứ, bao gồm những con vật có lông mềm và người già có râu trắng như Santa Claus. Thậm chí sau khi Albert rời bệnh viện, Watson cũng không thèm đoái hoài tới sức khỏe tâm lí cậu bé sau này.


Albert lập tức khóc ré lên khi nhìn thấy con thỏ với bộ lông mềm mại được đặt cạnh mình.

Cho tới nay, danh tính và tình trạng của Albert vẫn còn là điều bí ẩn. Em còn quá nhỏ để phải chịu những tổn thương tâm lí như vậy và thử nghiệm của Watson thực sự đã quá tàn nhẫn. Liệu cậu bé có còn giữ nỗi sợ ấy?

Theo nghiên cứu của nhà tâm lý học Hall P. Beck, tên thật của Albert có thể là Douglas Merrite. Thế nhưng nếu đó chính xác là em bé đáng thương ấy, thì thí nghiệm của Watson sẽ càng độc ác hơn. Douglas Merrite đã sống một cuộc đời ngắn ngủi trong bệnh tật. Em qua đời lúc 6 tuổi do chứng não úng thủy, trái ngược với đề cập của Watson rằng "Albert là em bé phát triển nhất từng được đưa tới bệnh viện y khoa John Hopkins".

Sau thí nghiệm đó không lâu, Watson do hứng quá nhiều chỉ trích nên đã bỏ nghề nghiên cứu và đi theo nghề quảng cáo.

Bách Nguyên (Theo Thethaovanhoa)

Cùng thể loại

About Us

The argument in favor of using filler text goes something like this: If you use arey real content in the Consulting Process anytime you reachtent.

Instagram