Giải trí

TGĐ Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ: "Ngành du lịch phải xuất phát nhanh để không mất thị trường"

Táo bạo ra mắt hãng hàng không du lịch đầu tiên của Việt Nam ngay trong tâm dịch năm 2020-2021, Tập đoàn Vietravel gặp nhiều khó khăn tài chính để cân bằng kinh doanh trong một thế giới nhiều biến động. Công ty đã tái cấu trúc trở thành một tập đoàn du lịch và lữ hành sở hữu hệ sinh thái kinh doanh tuần hoàn với sự hợp tác chặt chẽ trong ngành công nghiệp không khói mũi nhọn của nền kinh tế Việt Nam.

Tập mới nhất của talk show "The Next Power" sản xuất bởi S-World và VnExpress phát sóng ngày 16/6 là cuộc trò chuyện giữa host là "shark" Trương Lý Hoàng Phi và CEO IBP cùng Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Tập đoàn Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ về hành trình gần 30 năm từ một công ty du lịch với 7 nhân sự trở thành một tập đoàn lữ hành với 1,200 nhân viên cùng hệ thống trên khắp Việt Nam và 6 quốc gia trên thế giới.

Ngày 15/3 vừa qua, Việt Nam đã chính thức mở cửa du lịch quốc tế, ghi nhận lượng khách quốc tế trong tháng 5 tăng gần 13 lần so với cùng kỳ năm 2021. Tổng thị trường nội địa lũy kế 4 tháng đầu năm cũng đạt 11,5 triệu khách, bằng 98% so cùng kỳ 2019.


Bà Trương Lý Hoàng Phi và CEO IBP cùng Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Tập đoàn Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ

"Rõ ràng ta thấy đại dịch là ngủ đông tích cực, đến lúc rã đông cũng phải tích cực", ông Kỳ chia sẻ tại The Next Power. "Nếu không, chuyển đổi chậm, trạng thái chậm sẽ làm doanh nghiệp hụt hơi và không theo kịp yêu cầu thị trường".

Bài toán tài chính trong giai đoạn "ngủ đông tích cực"

Tại sự kiện Open Talk trong chuỗi Vietnam CEO Forum với chủ đề "Đâu là trận cuối?" vào tháng 10/2021, ông Nguyễn Quốc Kỳ từng chia sẻ rằng cơn bão đại dịch COVID-19 đã khiến hàng chục máy bay của ngành hàng không phải nằm im trên đường băng, gây ra tổn thất tài chính vô cùng to lớn. Với một hãng hàng không chỉ mới được đưa vào vận hành vào đầu năm 2021 cùng 3 máy bay,  trả lời cho câu hỏi của host Trương Lý Hoàng Phi "tình trạng của công ty giống nhưtrong một tuần sẽ đẩy 1 chiếc Range Rover xuống sông hay mỗi ngày mất đi một chiếc Camry", ông Kỳ chia sẻ: .

"Tôi xin nói rằng không doanh nghiệp nào dám báo lời, nói thẳng thắn từ việc kinh doanh của mình, vì có kinh doanh đâu mà lời… Sau dịch chúng ta thấy ngành du lịch, ngành công nghiệp không khói bị tan tác", ông chia sẻ tại The Next Power. "Nhưng Vietravel biến tất cả những thất thoát, mất mát, thiệt hại đó trở thành kinh nghiệm, bài toán và mục tiêu để giải quyết từng bước, từng ngày".

Vì nguồn tài chính gần như cạn kiệt, Vietravel do đó ưu tiên tập trung vào những khâu chính, giữ vững khung, bộ phận cốt yếu. Trước dịch, công ty có 64 văn phòng đại diện trên toàn quốc, sau dịch chỉ còn lại 29. Nhân sự cũng phải thu gọn lại, chia sâu hơn, đặc biệt là phải thay đổi một số vị trí nhân sự lãnh đạo. "Thật sự đó là những sự hi sinh", ông Kỳ nhấn mạnh."Vietravel phải giải tán, đóng cửa, thậm chí phải cắt bớt ‘chân, tay’ để tập trung nguồn lực cho sự thay đổi".

Ông Kỳ cho biết công ty cần "cắt rất sâu" để giảm bớt chi phí, dùng nguồn lực đó chuyển về để phục vụ tái cấu trúc. Công ty theo đó phân loại, tính toán hoạt động kinh doanh theo một số nguyên tắc, ví dụ như quy luật 80/20, sau đó quyết định giữ lại thị trường nguồn, còn thị trường điểm đến thì phát triển chậm lại hoặc có thể tạm đóng lại.

"Đó là cả quá trình phân loại, đánh giá, sắp xếp chứ không thể cắt bừa", ông Kỳ chia sẻ. "Đôi lúc mình phải "động" để giữ "tĩnh", tức là phải xông vào, không nên né tránh nó, phải xông vào tất cả để hiểu nó, từ đó gom lại xem là giữa cái mình muốn và cái đó có điểm nào tương đồng. Và điểm tương đồng đó giải quyết được bao nhiêu phần trăm khó khăn của mình và từng bước giống như gỡ chỉ rối, phải kiên nhẫn, không vội được".

Từ đó, Vietravel xác định chiến lược 4 giai đoạn của công ty cho việc thay đổi gồm: ngủ đông, rã đông, hồi phục và phát triển. Trong giai đoạn ngủ đông, ông Kỳ cho biết dù là một công ty du lịch nhưng tập đoàn tập trung vào việc truyền thông đến các khách hàng của mình những thông điệp chẳng hạn như chương trình "Happy Mask" khuyến khích ở nhà mùa dịch. Mặt khác, công ty luôn nhắc lại những kỉ niệm tươi đẹp trước dịch để người dân không bi quan, có thể tích cực hơn trong việc nghĩ về tương lai.

"Chúng tôi có kinh nghiệm sau khủng hoảng là không có doanh nghiệp lớn, nhỏ, không có khách hàng trung thành, tất cả đều ở một vạch xuất phát, thị trường là chân không", ông Kỳ nói. "Vì thế, chúng tôi phải chuẩn bị rất là kỹ để khi sau dịch, chúng tôi phải xuất phát nhanh, nếu không sẽ mất thị trường".

"Rã đông tích cực" cùng một hệ sinh thái kinh doanh tuần hoàn

Trước dịch, mọi người chỉ biết Vietravel là một công ty du lịch và các hệ sinh thái chưa rõ ràng, nhưng Vietravel sau đại dịch được định vị xây dựng hệ sinh thái đa dạng với 3 lĩnh vực lớn: lữ hành; vận tải – hàng không; thương mại – dịch vụ. Công ty liên kết với rất nhiều tập đoàn, đơn vị từ khách sạn, vận chuyển, dịch vụ tư vấn visa, hướng dẫn viên du lịch, khu vui chơi, ẩm thực .. cùng nhau "rã đông nhanh" và hồi phục trở lại.

"Đâu là cái đổi quan trọng nhất và mang tính chất táo bạo nhất?" – Câu hỏi của host Trương Lý Hoàng Phi. "Đó là nhận thức thay đổi hoàn toàn", vị lãnh đạo Vietravel nói. "Chúng tôi quan niệm trước và sau dịch khác nhau ở ‘change’ (thay đổi) và ‘cooperate’ (hợp tác), phải liên kết, phải chia sẻ hệ kinh doanh của mình ra, liên kết với nhiều bộ phận, đơn vị trong hệ tuần hoàn kinh doanh du lịch, vì đó là ngành công nghiệp".

Từ sự thay đổi tư duy, cấu trúc bên trong, sản phẩm mới được tạo ra với cách tiếp cận khách hàng mới. Có thể kể đến từ năm 2021, Vietravel Airlines là hãng hàng không đầu tiên có hướng dẫn viên du lịch chịu trách nhiệm thông báo các thông tin du lịch như thời tiết, địa danh, ẩm thực của điểm đến.

Ông Kỳ đánh giá ngành du lịch khi còn khỏe mạnh thì "mỗi ông đi một kiểu", nhưng khi đã bị thương thì sẽ kết nối lại, đó là sự thuận lợi và cần thiết giúp chóng hồi phục hơn. Chẳng hạn trước đây Vietravel mạnh về du lịch vào và đi của du khách nước ngoài còn du lịch trong nước chỉ ở mức độ trung bình. Tuy nhiên sau dịch thì tập đoàn tập trung những nguồn lực để khai thác toàn bộ sản phẩm, khai thác cảnh đẹp, những giá trị mà trước dịch chưa được quan tâm chẳng hạn những chương trình như ngắm hoàng hôn, khám phá ẩm thực, khám phá điểm đến, thu hút sự hưởng ứng mạnh mẽ bởi du khách nội địa. Việc này theo đó đòi hỏi sự tham gia của toàn bộ ngành công nghiệp du lịch và tạo thành hệ sinh thái tuần hoàn trong kinh doanh.

Bên cạnh đó, công ty cũng thay đổi rất nhiều vào công nghệ với việc chuyển đổi số. Chúng ta đã thấy Vietravel bán trên hệ thống online và offline từ lâu, nhưng sau dịch, công ty đóng bớt hệ thống offline và đẩy mạnh online, không chỉ trên web mà còn trên ứng dụng điện thoại cũng như trên 3 sàn thương mại điện tử: Tiki, Shopee, Lazada.

Tất cả những thay đổi trên được ông Kỳ và ban lãnh đạo thực hiện dựa trên đánh giá rằng phải đến từ động lực tự thân của mỗi người trong tập đoàn. Có ý tưởng thay đổi nhưng phải nói được cho mọi người cùng hiểu vì nó ảnh hưởng đến nhịp điệu sống, vị trí công việc, thậm chí quyền lợi của những cán bộ, con người, bộ máy đã được định vị trước dịch.

"Những cái trước đây nó đúng, nó thành công, giúp cho mình có một điểm tựa, đôi lúc mình sống và ngồi yên trên đó, coi đó là một cái điểm tựa vững chắc để mình bước tới. Nay cái điểm tựa đó dần bị lung lay, phải thay", ông cho biết. "Sự đổi mới phải có mục tiêu và mục tiêu phải đủ lớn để người ta theo. Mình không thể quản lý cái không tự nguyện được".

"Ngành du lịch phải được tái cấu trúc"

Báo cáo mới đây của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đánh giá Việt Nam tăng lên 8 bậc trong xếp hạng Chỉ số Phát triển Du lịch và Lữ hành (TTDI) năm 2021, mức tăng điểm cao nhất trong 117 nền kinh tế trên thế giới. Tuy nhiên với gần 40 năm lăn lộn trong ngành, ông Kỳ chia sẻ tại The Next Power rằng du lịch Việt Nam hiện vẫn chưa chuyên nghiệp, vẫn còn "khá nắng mưa", "theo ý thích và theo khẩu hiệu", cũng như chưa được đầu tư xứng đáng dù được đưa vào là một trong ba ngành kinh tế mũi nhọn cùng với nông nghiệp và công nghệ thông tin.

"Bản chất chúng ta nhìn thấy cũng chưa phải là căn cơ, bền vững, chúng ta vẫn "ăn xổi ở thì", vẫn chưa coi nó là ngành công nghiệp không khói mà chỉ đụng đâu là làm đấy thôi", ông Kỳ chia sẻ. "Giờ này, chúng ta thấy nhiều địa điểm được khai thác hết, nhưng những địa điểm du lịch quy hoạch ở thành phố hoang vẫn chưa khai thác hết, và chúng ta cũng thấy nguồn nhân lực du lịch thiếu đến cỡ nào."

Ông Kỳ dẫn chứng vụ việc toàn bộ nền san hô ở Hòn Mun – Nha Trang bị tẩy trắng với sự biến mất của hệ sinh thái và không còn những đàn cá bơi lội. Hòn Mun vốn là vườn sinh cảnh quốc gia nhưng chúng ta khai thác biển, du lịch ở đó quá mức dẫn đến tàn phá. Điều này đã được nói đến 20 năm nay nhưng đến giờ nhận thấy thì đã muộn.

"Bản chất câu chuyện là chúng ta vẫn chưa đánh giá đúng du lịch. Du lịch cần phải thực chất, phục vụ nhu cầu con người. Du lịch thể hiện độ văn minh của một xã hội, sự phát triển của một nền kinh tế và sự ưu việt của một nền văn hóa dân tộc", ông nhấn mạnh. "Ngành du lịch phải tái cấu trúc lại".

Sự tái cấu trúc này cần được gắn trong một xã hội sau dịch với các hoạt động trở nên nhanh, ít chạm, an toàn, công nghệ theo đó phải được thay đổi để theo kịp yêu cầu. Khách du lịch cũng đang có sự xuất hiện của nhiều tầng lớp khách du lịch mới là giới trẻ, đặc biệt là gen Z (những bạn sinh từ năm 1997 đến 2001), nhóm công chúng đã được làm quen với công nghệ, điện thoại, internet trong 20 năm qua.

Ông Kỳ dự báo thời kỳ "bình thường mới" của ngành du lịch chỉ trở lại vào năm 2024-2025 do thời gian chữa lành phải mất 2-3 năm. Hầu hết các quốc gia sẽ mở cửa du lịch vào khoảng cuối năm 2022, đầu năm 2023 và đặc biệt là ba thị trường khách lớn nhất vào Việt Nam là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản (gọi chung là khu vực Đông Bắc Á). Ông cũng đánh giá từ năm 2023-2025 là giai đoạn nền kinh tế Việt Nam được định hình trở lại, tâm lý xã hội và yêu cầu xã hội theo đó cũng được cải thiện hoàn toàn và "khi đó, chúng ta sẽ thấy một thế giới phẳng như năm 2019".

"Nếu chúng ta không thay đổi nhanh, biến hình nhanh mà còn lưu luyến thì sẽ bị bỏ lại", ông Kỳ nói."Chúng tôi phải chuẩn bị rất là kỹ để khi sau dịch, chúng tôi phải xuất phát nhanh, nếu không sẽ mất thị trường".

Để góp phần tạo động lực cho các doanh nghiệp trong quá trình chuyển mình và tăng tốc quan trọng này, The Next Power sẽ tiếp tục mang đến những cuộc trò chuyện cảm hứng với các khách mời cùng hai host Trương Lý Hoàng Phi – nguyên TGĐ Vintech City (Vingroup), sáng lập kiêm Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc IBP và ông Lê Trí Thông – Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ). Những kinh nghiệm, kiến thức của lãnh đạo các doanh nghiệp, tập đoàn lớn nhất Việt Nam như Vietravel, PNJ, Gốm Minh Long, gỗ Trường Thành đã và đang đồng hành cùng các thế hệ doanh nghiệp Việt tìm kiếm "sức mạnh mới" bằng đổi mới sáng tạo, đưa nền kinh tế vượt qua thời điểm khó khăn và sẵn sàng cạnh tranh trong một thị trường biến động thời bình thường mới.

Linh An

Cùng thể loại

About Us

The argument in favor of using filler text goes something like this: If you use arey real content in the Consulting Process anytime you reachtent.

Instagram