Rằm tháng Giêng nên cúng ở nhà hay trên chùa, có nhất thiết phải cúng ở hai nơi hay không là điều khiến không ít người phân vân.
Rằm tháng Giêng còn được gọi là lễ Thượng nguyên hay Tết Nguyên tiêu. Trong tiếng Hán, nguyên là thứ nhất, tiêu là đêm, "nguyên tiêu" chỉ đêm rằm đầu tiên trong năm. Tết Nguyên tiêu mang ý nghĩa cầu mong một năm tốt lành, gia đạo bình ổn, quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa.
Tết Nguyên tiêu năm nay rơi vào cuối tuần - thứ Bảy ngày 24/2/2024 Dương lịch, vì thế các gia đình hoàn toàn có đủ điều kiện về thời gian để chuẩn bị lễ cúng rằm tháng Giêng thật chu đáo và đúng ngày.
Nhiều người băn khoăn về việc rằm tháng Giêng nên cúng ở nhà hay trên chùa. Có quan điểm cho rằng chỉ cần cúng ở nhà, nhưng lại có ý kiến nói phải lên chùa mới đúng. Một số người quan niệm phải cúng cả ở nhà và trên chùa.
Rằm tháng Giêng nên cúng ở nhà hay trên chùa?
Rằm tháng Giêng là rằm đầu tiên trong năm nên nhiều người tin rằng vào ngày ấy, Đức Phật giáng lâm tại các chùa để chứng độ lòng thành của Phật tử. Không khí ngày xuân cũng khiến rất nhiều người đi lễ chùa. Bởi vậy mới có câu: “Lễ Phật quanh năm không bằng rằm tháng Giêng”.
Ngày nay, vào dịp rằm tháng Giêng, nhiều gia đình thường làm mâm cỗ mặn cúng gia tiên và mâm cỗ chay để cúng thần linh tại nhà để thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn đối với ông bà, tổ tiên và tấm lòng thành kính, tri ân Phật, thánh.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều gia đình, nhiều cá nhân làm lễ ngọt mang lên chùa, đền để dâng Phật, thánh, mục đích chung vẫn là cầu mong sức khỏe, bình an cho gia đình, con cháu ngoan ngoãn, học hành tấn tới. Có người còn tham dự các pháp đàn cầu an trong dịp này, thậm chí trước rằm cả tuần.
Khi đến chùa làm lễ, mọi người cần tuân thủ các nguyên tắc về trang phục, hành xử như quần áo gọn gàng, kín đáo, đi nhẹ, nói khẽ.
Như vậy, rằm tháng Giêng nên cúng ở nhà hay trên chùa là tuỳ quan niệm của từng cá nhân, truyền thống của từng gia đình. Mọi người có thể làm lễ cúng ở nhà, nếu gia đình thờ Phật thì làm lễ dâng Phật, có thể dâng lễ lên chùa hoặc không.
Vào dịp rằm tháng Giêng, nhiều người còn làm lễ dâng sao giải hạn, xuất phát từ niềm tin rằng mỗi năm, con người có một vì sao chiếu mệnh. Có tất cả 9 sao, gồm Thái Dương, Thái Âm, Mộc Đức, Kế Đô, La Hầu, Thái Bạch, Thổ Tú, Vân Hán, Thủy Diệu. Trong đó, Thái Dương, Thái Âm là sao tốt, còn La Hầu, Kế Đô, Thái Bạch là những sao xấu, được cho là sẽ khiến con người gặp phải chuyện không may, ốm đau, bệnh tật, nói chung là vận hạn.
Tuy nhiên, khoa học chưa từng xác nhận sự tồn tại của 9 ngôi sao trên cũng như ảnh hưởng của chúng đến cuộc sống con người. Dù rất nhiều người đến chùa xin dâng sao giải hạn mỗi dịp đầu năm, đây không phải là nghi lễ Phật giáo, nhà Phật cũng không cho là việc dâng sao giúp giải được hạn.
Hòa thượng Viên Minh khẳng định trên Cổng thông tin Phật giáo thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam rằng dâng sao giải hạn “chỉ là động thái tâm lý khiến người nào tin vào đó cảm thấy yên tâm mà thôi. Người đã hiểu chánh đạo, tin vào nhân quả, phước tội và thường sáng suốt biết rõ nhận thức, hành vi của mình thì tự mình điều chỉnh cho đúng, cho tốt chứ không thể dựa vào dâng sao mà giải hạn được”.
Theo VTC