Nếu ai đó coi viết cho thiếu nhi như một nghề chỉ đòi hỏi cần mẫn thì với anh làm nghệ thuật phải là sự yêu thích và đặt hết tâm hồn, tình cảm vào con trẻ.
Nhà văn Nguyễn Toàn Thắng
Văn học thiếu nhi vẫn được coi như mảnh đất khó "cầy" đối với các cây bút. Thế nhưng nhiều năm qua anh lại dành một dung lượng lớn các tác phẩm văn học của mình cho thiếu nhi. Chắc hẳn có một lý do đặc biệt khiến anh luôn tâm huyết, gắn bó với thể loại văn học này?
Chắc bởi vì tôi thích. Tôi có một tuổi thơ ăm ắp kỷ niệm của hai quê nội và ngoại. Khi bước chân vào nghề sáng tác, những hồi ức tuổi thơ quay lại. Tôi viết cho thiếu nhi như trả nợ cho tuổi thơ của mình. Năm 2003, tôi gặp đạo diễn, NSND Lan Hương khi chị cần một kịch bản thiếu nhi cho Nhà hát Tuổi Trẻ. Một tuần sau, kịch bản "Trận chiến giữa rừng xanh" của tôi viết xong và được dàn dựng thành công, khán giả nhí đón nhận nồng nhiệt. Thành công ấy khiến tôi càng tin vào sự lựa chọn của mình.
Tôi nghĩ làm nghệ thuật nói chung, viết cho thiếu nhi nói riêng nếu không có sự yêu thích chắc không làm được. Ở tuổi thơ bao nhiêu sách cũng không đủ, thế giới của trẻ con quá rộng lớn, đến cái ao tù trước ngõ cũng có thể tưởng tượng rằng đó là biển cả. Tôi bị thế giới của trí tưởng tượng mê hoặc. Chính vì vậy tôi viết đủ loại, từ kịch thiếu nhi đến kịch bản hoạt hình, truyện thiếu nhi- Anh chia sẻ
Tôi nghĩ làm nghệ thuật, nếu không có sự yêu thích chắc không làm được. Ở tuổi thơ của tôi, bao nhiêu sách cũng không đủ, thế giới của trẻ con quá rộng lớn, đến cái ao tù trước ngõ cũng có thể tưởng tượng rằng đó là biển cả. Tôi bị thế giới của trí tưởng tượng mê hoặc, không viết ra thì lại bị ám ảnh. Chính vì vậy tôi viết đủ loại, từ kịch thiếu nhi đến kịch bản hoạt hình, rồi đến truyện thiếu nhi.
Có nhà văn cho rằng viết cho thiếu nhi không dễ bởi tưởng tượng của người lớn khó bắt kịp trẻ em, mặt khác sự phát triển của khoa học kĩ thuật khiến trẻ em đòi hỏi nhiều hơn với cách chọn đề tài, ngôn từ. Còn với anh quá trình sáng tác có gặp khó khăn gì?
-Sáng tác cho thiếu nhi luôn là một thách thức, vì thế giới của thiếu nhi tuy trong trẻo đấy, hồn nhiên đấy nhưng cũng rất phức tạp theo cách riêng của mình. Mối quan tâm của thiếu nhi đôi khi rất lạ, và nếu chúng ta nhìn bằng lăng kính của mình thì không bao giờ giải mã được. Tôi không gặp nhiều khó khăn khi viết bởi tôi cố gắng nhìn mọi thứ với con mắt của trẻ thơ. Khả năng đó cho phép tôi giới thiệu đến độc giả nhỏ tuổi một thế giới khác, thế giới của trí tưởng tượng, chứ không phải là cứ lấy bừa nhân vật là một con gà con vịt nào đó rồi coi đó là tác phẩm dành cho thiếu nhi. Tôi quan niệm rằng, thế giới của trẻ con là thế giới được trẻ con nhìn theo cách của mình. Trẻ con nhìn ông vua khác với người lớn, đó là điều hiển nhiên…
Khi đặt bút viết, anh cho điều gì quan trọng trong một tác phẩm dành cho thiếu nhi?
Sự hấp dẫn luôn được tôi đặt lên hàng đầu. Sự hấp dẫn mới đủ sức truyền tải những thông điệp của cuộc sống, những giá trị nhân văn. Sự hấp dẫn theo cách của tôi bao gồm cả cái đẹp của câu chuyện, của nhân vật. Trong những tác phẩm của tôi, ngay cả nhân vật đại diện cho cái xấu cũng phải rất dễ thương, hoặc gây cười. Chẳng hạn con Mối Chúa phá hoại trong vở kịch đồng thoại "Cậu bé khổng lồ lạc vào hang kiến" cũng là con mối bị lé, nó nhìn bên nọ thì mắt hướng sang bên kia. Vì sao, là bởi nếu tả nó dữ dằn, độc ác quá thì sẽ gây cho khán giả nhí cảm giác sợ hãi, ghê rợn không đáng có. Những cảnh được gọi là "bạo lực" gây xung đột trong kịch cũng phải được mềm mại hoá bằng cách màn nhảy Rap, hát hò hoặc đố mẹo. Tôi luôn cố gắng làm sao cho thế giới huyền thoại của thiếu nhi phải bí ẩn một cách trong trẻo, hấp dẫn một cách hồn nhiên. Hay trong "Chuyện chú Rồng lửa". Tôi viết cuốn này lấy ý tưởng từ sự tích cá chép vượt Vũ môn hóa rồng. Tôi cố gắng tạo ra một thế giới dưới nước lung linh huyền ảo, khơi gợi trí tưởng tượng của trẻ con. Truyện được viết với tiết tấu nhanh, gọn, không rề rà. Với độc giả thiếu nhi, không cần thiết phải tả dài dòng văn tự, bởi càng tả kỹ, trẻ con càng lười tưởng tượng…
Có thể thấy, thị trường văn học thiếu nhi trong nước đang ào ạt các tác phẩm văn học thiếu nhi nước ngoài. Điều đó không chỉ đòi hỏi cha mẹ cần có sự lựa chọn, định hướng thật tốt cho trẻ mà bản thân các nhà văn cũng phải đầu tư, tự nâng cấp mình khi cầm bút sáng tác. Anh nghĩ sao về vấn đề này?
Khi các nhà xuất bản lấp chỗ trống thị trường văn học thiếu nhi bằng các tác phẩm văn học nước ngoài đặt ra một số vấn đề. Nếu độc giả thiếu nhi được tiếp xúc với những tác phẩm văn học tốt, thì quả là tuyệt vời. Thế nhưng từ nguồn văn học này khi người ta chạy theo lợi nhuận mà chú trọng đến nhiều thể loại không hợp lắm với trẻ em thì thật đáng lo ngại. Chẳng hạn như truyện tranh, nhiều cuốn nhuốm màu sắc bạo lực từ đầu đến cuối. Tất nhiên, không có bạo lực thì không hấp dẫn, vấn đề ở đây là sự lạm dụng. Những vấn đề như làm hỏng tâm hồn trẻ em hay kích thích bạo lực tôi không đề cập đến, người ta nói mãi rồi. Nhưng vấn đề là trẻ em quen ăn món đó, sau này sẽ khó tiếp nhận những tác phẩm đích thực, như kiểu người ta quen ăn phở có mỳ chính rồi sẽ chê phở nấu từ nước xương thật nhạt nhẽo. Tư duy của trẻ em sẽ bị kéo xuống mức tầm thường, đó mới là điều nguy hiểm. Lứa độc giả chỉ quen với truyện tranh, truyện ngôn tình nhăng nhít chắc chắn sẽ thờ ơ với những tác phẩm văn học đích thực.
Còn vấn đề đối với người viết trong nước, tôi mong muốn nếu viết cho thiếu nhi thì nên đầu tư thật kỹ. Đằng nào thì nghề văn cũng nghèo hơn các nghề khác, nên biến thành thú chơi thì hay hơn. Và một khi đã coi là cuộc chơi, thì người ta sẽ rất hứng khởi, người ta tôn trọng luật chơi. Và cái khó nhất là tìm được tài năng, vốn chẳng bao giờ nhiều, và đối xử với tài năng ấy bằng sự tinh tế.
Dịp Tết Thiếu nhi này, anh có tác phẩm nào dành cho thiếu nhi?
-Năm nay, vở kịch vui thiếu nhi Căn bếp đại chiến do tôi viết kịch bản được đoàn 1, Nhà hát Tuổi Trẻ dàn dựng. Để chuẩn bị cho vở kịch này, tôi và đạo diễn Bùi Như Lai đã làm việc với nhau từ năm ngoái, từ ý tưởng cho đến nhân vật. Chính vì vậy, chúng tôi không mất nhiều thời gian để tìm được tiếng nói chung. Các nghệ sỹ cuả đoàn 1 cũng đã làm việc rất hăng say và thăng hoa để có được một tác phẩm cho thiếu nhi. Và tôi chỉ là người biến những ý tưởng đó lên trang giấy, để từ đó thành một tác phẩm hoàn chỉnh. Những nhân vật của vở diễn rất ngộ nghĩnh nhưng không ngô nghê, và những cảnh bạo lực được mềm mại hoá, chẳng hạn màn đánh nhau giữa mèo và rắn biến thành hiệp đấu võ đài mang tính chất thể thao, còn cụ thể thế nào mời khán giả đến rạp thưởng thức (cười).
Linh An