Liên tiếp những năm gần đây, nhà văn, nhà viết kịch Nguyễn Toàn Thắng cho ra đời những tác phẩm sân khấu về đề tài lịch sử như "Nàng thứ phi họ Đặng", "Tướng quân ăn mày", "Người con của Vạn Thắng Vương"... và sắp tới, vở cải lương "Vì sao lạc xứ" sẽ ra mắt trên sân khấu Thủ đô. Chúng tôi có cuộc trò chuyện với nhà văn Nguyễn Toàn Thắng trước khi vở diễn công diễn vào đầu tháng 7 năm 2019 này.
Nguyên do nào khiến anh chọn đề tài lich sử trong thời gian gần đây, khi mà kịch thiếu nhi hay hài kịch luôn là thế mạnh của mình?
Với tôi, người viết chuyên nghiệp không được giới hạn mình ở bất cứ mảng đề tài nào, thể loại nào. Bản thân việc sáng tạo còn bị bó buộc thì làm sao mà thả trí tưởng tượng bay bổng cơ chứ. Nhưng mọi thứ đều có nguyên do, bởi từ khi ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã không hài lòng với bộ môn lịch sử cực kỳ khô cứng và đem lại cho tôi nhiều nghi ngờ. Chính sử của ta do chiến tranh, loạn lạc, còn lại không nhiều. Những truyền thuyết giai thoại để lại rất mù mờ và cực kỳ phi logic, và nói thật, nhiều khi tô vẽ một cách thái quá để rồi phản tác dụng. Sau này, tôi đọc lại nhiều tư liệu, và một lần nữa lại thấy những cái mới để khai thác. Tôi chỉ cần một cái mốc lịch sử, thế là đủ. Còn tôi đủ sức sáng tạo ra những câu chuyện li kỳ, hấp dẫn, dựa trên một nguyên tắc bất di bất dịch của tôi là sự tôn trọng và cảm phục đối với tiền nhân, những người anh hùng mà không có xương máu của họ, không có được Tổ quốc này.
Nhà văn Nguyễn Toàn Thắng
Ở vở cải lương mới này, "Vì sao lạc xứ", điều anh muốn gửi gắm là gì? Tại sao anh lại chọn cái tên này cho vở?
Tôi chọn cái tên "Vì sao lạc xứ" này như một trò chơi chữ. Vì sao là câu hỏi, và cũng là từ chỉ một cá nhân kiệt xuất. Với tôi, Tả tướng quốc Hồ Nguyên Trừng là một trong số ít những người tài của nước ta mà tầm ảnh hưởng ra được khỏi biên giới. Chúng ta cứ tự khen nhau là nước mình nhiều người tài lắm, nhưng là tài với nhau thôi, kiểu ngày xưa chị đẹp nhất làng ấy, còn thực ra người thực sự có tài cũng không nhiều. Số phận của ông ấy cũng rất gian truân, thua trận, mất cả cơ đồ do cha là Hồ Quý Ly lập ra, rồi bị nhà Minh bắt về bởi ông rất giỏi trong việc chế tạo hoả khí cũng như các công trình quân sự khác. Ông còn nói một câu bất hủ là không sợ đánh chỉ sợ lòng dân không theo. Mặt khác, sử sách chép là ông làm quan cho nhà Minh, vô tình gây cho hậu thế hiểu rằng ông đầu hàng đối phương, rồi có thể sẽ suy luận ra đủ thứ nữa. Bởi ở thời điểm ấy, người ta không ưa gì nhà Hồ, nên việc chép thế cũng không có gì là lạ. Tôi không nghĩ thế, bởi ở địa vị của ông, việc đó khó mà xảy ra, tất có nguyên do bên trong. Người ta có thể lờ đi cái nguyên do đó mà chỉ chép cái kết quả cuối cùng. Và vở diễn là câu trả lời cho cái nguyên do ấy, cho thân phận của một người tài mà phải sống lạc xứ.
Đầu tiên, nhân vật ấy phải khiến tôi quan tâm đặc biệt theo nhiều chiều hướng. Có thể đó là một nhân vật chưa được khai thác, bởi đa phần ở ta, người viết luôn tìm đến những nhân vật mà sử hoặc dân gian có ghi chép lại, bởi như thế dễ cho việc sáng tác. Tôi chỉ cần một vài nét là đủ. Cách nữa là tôi khai thác lại nhân vật mà rất nhiều người đã khai thác mà tôi cảm giác chưa đầy đủ, chưa đa dạng và nhất là chỉ theo một chiều ca ngợi nhiều khi đến mức vô lý. Lúc này tôi đặt mình vào vị trí khán giả, rằng nếu muốn xem về vị anh hùng này thì điều gì làm mình quan tâm nhất. Và tôi làm trái lại những sự quan tâm ấy, bởi nhìn theo cách đó, mình mới thấy nhiều góc độ khác nhau ở vị anh hùng ấy.
Không hẳn như thế, bởi tôi vẫn viết các kịch bản về đề tài hiện đại, chỉ là do tích luỹ lâu ngày, tôi có hứng thú đặc biệt với lịch sử. Nhiều vấn đề nếu nói bằng đề tài hiện đại sẽ không duyên bằng dùng câu chuyện lịch sử. Nhất là với các thể loại kịch hát dân tộc, những câu chuyện xưa, lời văn cổ đưa vào bài ca sẽ hợp lý hơn. Những vấn đề nổi cộm hôm nay như chạy chức, thi cử… trong lịch sử đã có đầy rẫy và đều đã ở thể hoàn thành, cho nên những bài học rút ra được là khá đầy đủ. Vả lại, nếu không làm như vậy, thì làm sao khán giả biết rằng, trong lịch sử, cha ông ta đã từng thú vị đến như thế nào?
Cảm ơn nhà văn Nguyễn Toàn Thắng. Chúc cho vở cải lương "Vì sao lạc xứ" thành công mỹ mãn và chúc anh ngày càng có nhiều tác phẩm hay.
Linh An