Giống như người Việt Nam, người dân Nhật Bản từ xa xưa cho tới tận ngày nay vẫn có truyền thống sử dụng chiếu trong sinh hoạt, nghỉ ngơi, thay cho những loại gạch, thảm lót sàn hiện đại.
Trong các ngôi nhà Nhật Bản, không có phòng nào là không được trải một loại chiếu được xem như "linh hồn" của kiến trúc Nhật Bản, và cũng nổi tiếng bởi đặc tính "thần kỳ": hè mát mẻ, đông ấm áp, đó là chiếu Tatami.
Chiếc chiếu Tatami khiến cho căn phòng thoáng đãng, mang vẻ đẹp tinh tế, trang nhã, luôn là niềm tự hào của gia chủ và là "người bạn" không thể thiếu của những ngôi nhà Nhật.
Chiếu Tatami được biết đến là linh hồn của những ngôi nhà Nhật, được người Nhật sử dụng từ cách đây hàng nghìn năm.
Tatami (chữ hán: 畳 có nghĩa là "gấp, xếp") là một loại chiếu cói truyền thống có thể xếp lại được, dùng để trải sàn nhà của Nhật Bản. Từ hàng nghìn năm trước, Tatami thường chỉ được dùng làm thảm ngồi dành cho các bậc vua chúa, quý tộc. Sau nhiều thay đổi đến nay, Tatami đã trở thành một vật dụng không thể thiếu trong mỗi ngôi nhà Nhật, là biểu tượng văn hóa của quốc dân Nhật Bản.
Cấu tạo "có một không hai" của Tatami
Thông thường, một tấm chiếu Tatami có chiều dài 1,8 mét và rộng 90cm. Đây được xem là kích thước chuẩn truyền thống khi chiều dài thường phải gấp đôi chiều rộng. Ngoài hình chữ nhật, ngày nay người ta còn làm Tatami hình vuông, hay thậm chí hình dạng tùy thích.
Trước đây Tatami thường chỉ được làm từ rơm khô, sau dần người ta còn sử dụng sợi hóa học thay rơm để chiếu được bền hơn.
Chiếu Tatami gồm 3 bộ phận: lõi chiếu, bao chiếu và viền chiếu. Những tấm chiếu Tatami có phần lõi được làm từ rơm khô đan ép chặt với nhau. Ngày nay, có khi người ta dùng sợi hóa học thay cho sợi rơm để tăng độ bền và độ cách nhiệt.
Lớp bên ngoài bao bọc Tatami là chiếu cói khá mỏng, nhưng có thể sử dụng cả 2 mặt. Phần cuối cùng là viền chiếu bằng vải dệt nổi vân hoặc vải trơn thường mang màu xanh lá cây hoặc màu đen khá nổi bật.
Nhìn không khác nhiều so với những loại chiếu thông thường, nhưng Tatami mang vẻ đẹp tinh tế, trang trọng và đặc trưng cho văn hóa Nhật Bản.
Đặc tính ưu việt của Tatami
Tại sao Tatami lại được người Nhật và cả thế giới sử dụng nhiều đến vậy? Những đặc tính tuyệt vời của Tatami sẽ là câu trả lời hợp lý nhất cho câu hỏi này. Do được làm từ rơm khô ép vào nhau hay loại cỏ "siêu mềm" Igusa nên Tatami có khả năng đàn hồi tốt, tạo cảm giác êm ái khi đi trên đó, đặc biệt phù hợp cho những gia đình có người già hay trẻ nhỏ.
Tatami mang lại cho người dùng cảm giác như đang bước đi trên thảm cỏ xanh, mềm mại và dịu êm bởi chất liệu tự nhiên đặc trưng.
Người Nhật có thói quen bỏ dép khi vào nhà, và Tatami đáp ứng được nhu cầu đó kể cả trời lạnh hay nóng bức. Chúng có khả năng cách nhiệt tốt, thích hợp cho việc đi chân không dép, ngồi hay nằm trên đó. Vì được làm hoàn toàn từ thiên nhiên, các sợi rơm trao đổi khí và ẩm với môi trường xung quanh, giúp cho chiếu Tatami mát mẻ vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông.
Còn gì tuyệt vời hơn khi sở hữu một tấm chiếu Tatami tưởng chừng đơn giản nhưng lại mang vẻ đẹp tinh tế, trang nhã, phù hợp cho các hoạt động như tiếp khách, vui chơi, sinh hoạt,…và lại khá an toàn. Bởi lõi rơm bên trong chiếu được bện chặt thành lớp dày, bao chiếu lại có hơi ẩm nên chiếu khá khó cháy, lửa không dễ bị lan rộng.
Chiếu Tatami được trải trong phòng phục vụ cho mọi hoạt động: sinh hoạt, vui chơi, nghỉ ngơi, ngồi thưởng trà,…
Tuy nhiên, Tatami cũng có vài nhược điểm khiến chúng không hoàn toàn "chinh phục" được tất cả người dùng. Do làm từ chất liệu tự nhiên nên Tatami dễ ẩm mốc và bị gián, bọ chọn làm nơi sinh sống, không chỉ gây phiền toái cho người dùng mà còn làm hỏng chất liệu.
Việc đi lại nhiều cũng gây ra các vết xước, hỏng và ố lớp cói bọc bên ngoài, khi dùng một thời gian, màu sắc Tatami sẽ bị phai bạc. Hơn nữa, với những tấm Tatami lớn và dày thì việc vệ sinh, giặt giũ sẽ khá khó khăn, lau bề mặt bằng khăn ướt và đem phơi khô chưa chắc đã sạch được chiếu.
Tatami khá khó vệ sinh, ưu điểm chất liệu tự nhiên cũng vô tình trở thành nhược điểm của loại chiếu này.
Mặc dù vậy, tatami vẫn chiếm được cảm tình và được rất nhiều gia đình không chỉ ở Nhật Bản mà còn trên thế giới lựa chọn sử dụng, trong đó có Việt Nam.
Khánh Chi (tổng hợp)