Trong quá trình mang thai, việc theo dõi lịch khám thai định kỳ rất quan trọng đến sức khỏe của mẹ và thai nhi.
Trong quá trình mang thai, việc theo dõi lịch khám thai định kỳ rất quan trọng đến sức khỏe của mẹ và thai nhi. Việc quan tâm theo dõi thường xuyên việc khám và siêu âm thai sẽ giảm rủi ro và bất trắc đáng tiếc có thể xảy ra trong quá trình mang thai.
Lịch khám thai:
Lần 1: Khi thai nhi được 6 – 8 tuần tuổi
Thông thường, bạn sẽ đến phòng khám sản khoa trong khoảng thời gian từ 6 – 8 tuần đầu tiên của thai kỳ, hoặc khi bạn đã mất kinh được từ 2 – 4 tuần. Trong lần thăm khám đầu tiên này, bác sĩ sẽ tìm hiểu chi tiết về tình trạng sức khỏe chung của bà mẹ, các thói quen có thể ảnh hưởng đến thai kỳ, cả chi tiết về những lần sinh và thụ thai trước đó, các vấn đề về sinh sản mà bạn từng gặp phải. Bà bầu cũng sẽ được đo tử cung để làm cơ sở theo dõi tình trạng phát triển của bào thai. Việc đo tử cung sẽ được tiến hành thường xuyên trong mỗi lần thăm khám tiền sản để giúp bác sĩ có thể phát hiện ra các vấn đề ở thai nhi nếu tử cung phát triển không bình thường. Đây cũng là thời điểm bác sĩ đưa ra dự báo về ngày sinh của bạn.
Siêu âm xuyên gáy vào tuần thứ 11 – 14 của thai kỳ giúp bác sĩ phát hiện sớm các bất thường nếu có ở thai nhi (hình minh họa)
Bên cạnh đó, bạn cũng sẽ phải làm các xét nghiệm để xác định nhóm máu, yếu tố Rh và những kháng thể khác; đếm hồng bạch cầu để xem thai phụ có bị thiếu máu hay có bệnh truyền nhiễm qua đường sinh dục hay không; xét nghiệm Rubella, viêm gan, tiểu đường, xét nghiệm Pap để tìm ung thư cổ tử cung và tùy theo tiền sử cá nhân, tuổi, tiền sử gia đình mà người mẹ có thể sẽ phải làm thêm các xét nghiệm khác, ví dụ như để tầm soát bệnh tiểu đường hay những bệnh về di truyền.
Lần 2: Khi thai nhi được 11 – 14 tuần tuổi
Là thời điểm duy nhất có thể đo độ mờ da gáy nhằm dự đoán 1 số bất thường nhiễm sắc thể nguy hiểm gây nên các căn bệnh như Down, dị dạng tim, chi, thoát vị cơ hoành v.v… Nếu chỉ số này cao, bác sĩ sẽ chỉ định cho thai phụ chọc dò nước ối vào tuần thứ 17 – 18 của thai kỳ để chuẩn đoán bệnh. Siêu âm giai đoạn này cũng giúp phát hiện 1 số dị tật khác như thai vô sọ, khe hở thành bụng, không xương mũi …Ngoài ra, thai phụ còn được chỉ định làm xét nghiệm Doule Test để tầm soát thêm các bất thường bẩm sinh khác của bào thai.
Lần 3: Khi thai nhi được 22 – 23 tuần tuổi
Mọi đình chỉ thai nghén thường được chỉ định thực hiện trước tuần thứ 28 của thai kỳ, do đó mà mốc khám thai này đóng vai trò quan trọng trong việc tầm soát lại các dị tật bẩm sinh ở thai nhi. Đây là thời điểm mà các bất thường về hình thái như sứt môi, hở hàm ếch, dị dạng ở các cơ quan, nội tạng v.v… được phát hiện qua siêu âm và bác sĩ sẽ tư vấn hướng can thiệp thích hợp nhất cho thai phụ nếu chẳng may phát hiện các dị tật bẩm sinh ở bé.
Lần 4: Khi thai nhi được 31 – 32 tuần tuổi
Tại thời điểm này, thai phụ được siêu âm để phát hiện 1 số vấn đề hình thái xảy ra muộn như bất thường ở tim, động mạch, các bất thường ở não như giãn não thất…, nhận biết tình trạng thai phát triển chậm trong tử cung – 1 trong những nguyên nhân gây suy thai va ngạt sau sinh v.v … Đồng thời, các xét nghiệm công thức máu, thử nước tiểu cũng được tiếp tục chỉ định ở giai đoạn này.
Tuần thứ 31 – 32 của thai kỳ cũng là lúc mẹ bầu sẽ được tiêm ngừa vắc xin uốn ván vì sự an toàn của cả 2 mẹ con (hình minh họa)
Lần 5: Khi thai nhi được 35 – 36 tuần tuổi
Siêu âm màu sẽ được thực hiện nhằm theo dõi Doppler động mạch rốn, động mạch não, động mạch tử cung, kiểm tra nước ối, dây rốn …Thai nhi được đo tim thai và chuyển động thai. Bác sĩ cũng sẽ dự báo cân nặng của bé lúc sinh và sẽ có các tư vấn về dinh dưỡng kịp thời nếu trọng lượng thai nhi không đáp ứng đủ cân nặng chuẩn tại thời điểm tương ứng.
Xét nghiệm đặc biệt mẹ cần biết
Để kiểm tra sức khỏe của mẹ, tình trạng phát triển thai nhi, bao gồm cả chuẩn đoán về những biến chứng và bất toàn ở bào thai, trong quá trình thai nghén có thể mẹ bầu sẽ được chỉ định làm một số xét nghiệm đặc biệt. Dù hầu hết mẹ bầu đều rất căng thẳng khi không may nằm trong nhóm nguy cơ phải làm các xét nghiệm này, nhưng nên biết rằng, đây là cách hiệu quả giúp bác sĩ dự liệu các tình huống có thể xảy ra, từ đó can thiệp cần thiết và tốt nhất cho thai kỳ của bạn.
Xét nghiệm tầm soát
Đây là những xét nghiệm dùng để tầm soát những khả năng khác nhau về dị tật thai nhi. Nếu xét nghiệm chỉ ra nguy cơ cao thì người mẹ phải làm thêm xét nghiệm chẩn đoán để xác định hoặc loại bỏ vấn đề đó. Thường bao gồm các xét nghiệm:
– Siêu âm xuyên gáy. Nhằm đánh giá nguy cơ thai nhi dị tật, như hội chứng Down hay bệnh tim bẩm sinh, được thực hiện vào giai đoạn từ 11 – 14 tuần tuổi.
– Tầm soát huyết thanh. Một mẫu máu của thai phụ được lấy ở tuần thứ 16 để đo mức độ trong huyết thanh của 3 chất estriol, hCG, AFP. Kết quả được đánh giá liên quan đến tuổi của mẹ để xem thai nhi có bị hội chứng Down hay không. Nếu nguy cơ cao người mẹ sẽ phải chọc dò ối để xác định chẩn đoán.
– Xét nghiệm AFP. Xét nghiệm này được thực hiện căn cứ vào hàm lượng alpha-fetoprotein trong máu thai phụ để chẩn đoán các dị tật thai nhi như nứt đốt sống, não úng thủy, hội chứng Down v.v…
Siêu âm xuyên gáy là xét nghiệm tầm soát phổ biến nhất để chẩn đoán hội chứng Down ở thai nhi (hình minh họa)
Xét nghiệm chẩn đoán
Được dùng để xác nhận dị tật thai nhi sau khi những xét nghiệm tầm soát và siêu âm đã kết luận thai phụ thuộc nhóm nguy cơ cao. Xét nghiệm chẩn đoán chính gồm chọc dò ối và lấy mẫu màng nhau (CVS).
– Chọc dò ối. Do nước ối chứa nhiều tế bào từ da và những cơ quan khác của bé nên có thể dùng để chuẩn đoán bệnh của bé bằng cách lấy 1 ít nước từ tử cung ra để thử. Xét nghiệm này thường được chỉ định với mẹ bầu trên 37 tuổi, hoặc sau xét nghiệm tầm soát huyết thanh, hay sau khi siêu âm vùng gáy cho thấy có nguy cơ nào đó. Đây là phương pháp hiệu quả giúp phát hiện những thông tin quan trọng để bác sĩ xác định các nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai kỳ như rối loạn chuyển hóa do không có hoặc thiếu men, nguy cơ thiếu oxy ở bào thai, chỉ số suy thai, những bất thường của cấu trúc nhiễm sắc thể v.v…
– Lấy mẫu màng nhau (CVS). Xét nghiệm này thường được chỉ định với những mẹ bầu có thai nhi bị nghi mang hội chứng Down, hay có những bất thường về huyết sắc tố, bệnh hồng cầu liềm, bất thường chuyển hóa, bất thường gen như xơ nang, bệnh ưa chảy máu, teo cơ, chứng co giật Huntington do khiếm khuyết ở hệ thần kinh trung ương v.v…
Ngoài ra còn có các xét nghiệm chẩn đoán khác như chọc dò cuống rốn dùng để phát hiện tình trạng thiếu máu ở thai nhi, tình trạng nhiễm trùng mang bệnh sởi, toxoplasma, mụn rộp, thai chậm phát triển v.v…, siêu âm màu được thực hiện khi thai nhi trong có vẻ nhỏ hơn tuổi thai hay không phát triển nhanh như bình thường, đếm nhiễm sắc thể để xác định các bất thường về di truyền ở bào thai v.v…
Siêu âm xác định giới tính thai nhi
Nói đúng hơn vào buổi khám thai định kỳ đầu tam cá nguyệt thứ 2, tức là khoảng tháng thứ 4, bác sĩ sẽ không ngại thông báo tin bé trai hay bé gái cho bạn ngay khi phát hiện qua máy siêu âm. Lúc này, dĩ nhiên, cả hai vợ chồng cùng ở bên nhau và nhìn thấy hình ảnh của bé qua máy là khoảnh khắc hạnh phúc khó quên nhất đời.
Siêu âm 4D
Ở thời điểm 21 – 24 tuần, siêu âm có thể giúp phát hiện hầu hết các bất thường về hình thái của thai nhi như sứt môi, hở hàm ếch, dị dạng ở các cơ quan, nội tạng. Lần siêu âm này rất quan trọng vì nếu cần đình chỉ thai nghén thì phải làm trước tuần thứ 28. Ngoài ra nếu để muộn hơn mới siêu âm thì lúc đó thai nhi đã quá lớn sẽ khó phát hiện được các dị tật nếu có.
Tiêm phòng uốn ván
Ở lần khám thai lúc 30 – 32 tuần, bạn sẽ được làm xét nghiệm công thức máu, thử nước tiểu và chích ngừa uốn ván. Ngoài ra, siêu âm sẽ giúp phát hiện một số vấn đề hình thái xảy ra muộn như bất thường ở động mạch, tim và não, kiểm tra tình trạng phát triển của thai nhi.
Non-stress test
Khoảng 35 – 36 tuần, bạn sẽ được siêu âm màu theo dõi doppler động mạch rốn, động mạch não, động mạch tử cung, kiểm tra nước ối, dây rốn… Bác sĩ cũng sẽ dự báo cân nặng bé lúc sinh. Một số nơi sẽ cho bạn làm Non-stress test nhằm kiểm tra sức khoẻ của bé và tìm hiểu xem bé có nhận đủ oxy hay không bằng một máy đo tim thai và chuyển động của thai trong vòng 30 phút. Một chiếc máy giống như dây thắt lưng quàng quanh bụng mẹ khi nằm sẽ ghi nhận sự thay đổi của tim thai tương ứng với chuyển động thai.
Từ giai đoạn này trở đi, bạn cần đến bệnh viện kiểm tra mỗi tuần hoặc bất cứ khi nào đau bụng, ra máu để theo dõi tim thai, cử động thai nhi và xem tình trạng cổ tử cung đã mở hay chưa. Việc của bạn lúc này là giữ cho tinh thần thoải mái vui vẻ và nghỉ ngơi thật tốt, vì chẳng còn bao lâu nữa bạn sẽ đón bé chào đời…
Tóm lại, bằng việc tuân thủ chặt chẽ lịch thăm khám tiền sản, cũng như có những can thiệp chuyên khoa kịp thời khi thai kỳ phát sinh vấn đề, quá trình mang thai và sinh nở của chị em cũng sẽ an toàn hơn. Hiểu biết và chủ động đối phó rủi ro sẽ giúp mẹ bầu và các y bác sĩ cùng duy trì 1 thai kỳ khỏe mạnh, từ đó an tâm chào đón bé yêu sau 40 tuần thai nghén đầy vất vả.
LỊCH KHÁM THAI ĐỊNH KỲ