Bộ ba “nong-dân tập sự” Thùy Tiên, Misthy và Đức Phúc quy tụ, toát mồ hôi hột lần đầu trải nghiệm nghề làm sen, thi nhau “tấu hài” rộn ràng.
Sau 2 tập phát sóng, series “Nong-dân” của Hoa hậu Thùy Tiên hiện được quan tâm và nhận về nhiều phản hồi tích cực từ khán giả. Tập 1 nhanh chóng cán mốc 1 triệu lượt xem trong tuần đầu lên sóng. Thùy Tiên và Misthy đã cùng đồng hành trải nghiệm các việc nhà nông như cắt cỏ bàng, đan giỏ cỏ bàng, làm bánh phồng,... Hai “nong-dân tập sự” càng thấy trân quý những đồng tiền ít ỏi chỉ vài chục ngàn kiếm ra từ sự lao động chân tay, cũng nhận ra để có được những thành phẩm nông sản chất lượng người nông dân đã vất vả nhiều như thế nào.
Tiếp tục hành trình trở thành nông dân chuyên nghiệp, Thùy Tiên và Misthy ở tập 3 đã “thu nạp” thêm người đồng nghiệp là ca sĩ Đức Phúc. Chưa biết anh chàng “nong-dân tập sự” này lao động có năng suất không, nhưng độ tấu hài và cứ sơ hở là hát cũng đủ khiến Thùy Tiên và Misthy nhiều phen chỉ biết cười bất lực.
Rời Tiền Giang, cả đoàn tiếp tục di chuyển và dừng chân ở Đồng Tháp-vùng đất trù phú, có nhiều đồng sen xanh bát ngát. Huyện Tháp Mười vẫn luôn hướng đến phát triển các sản phẩm nông sản từ sen, kết hợp với du lịch sinh thái và ẩm thực sen. Những năm trở lại đây, nguồn nguyên liệu sen được quan tâm đầu tư, phát triển và có xu hướng tăng. Phần lớn các công đoạn từ gieo trồng, thu hoạch đến sơ chế đều là thủ công bằng tay chân, chưa có máy hỗ trợ nên người nông dân phải bỏ ra rất nhiều công sức và thời gian.
Nếu công việc cắt bỏ bàng ngoài đồng ở Tiền Giang chỉ được trả công 7 ngàn đồng/bó, thì được nhận vào hái gương sen ở đầm sen của vợ chồng chú Phụng, cả ba “nong-dân tập sự” được trả mức lương hậu hĩnh hơn là 50 ngàn đồng/giờ. Tưởng chừng công việc khá dễ dàng, lương cũng cao thì mọi thứ sẽ thuận lợi nhưng chỉ chốc lát ai cũng toát mồ hôi hột vì việc di chuyển hái gương sen ở đầm rất khó, lựa được gương sen đạt chuẩn càng khó hơn, đặc biệt là làm việc dưới cái nắng trưa gắt. Nam ca sĩ Đức Phúc chia sẻ: “Bọn mình chỉ làm trải nghiệm thôi nhưng đã thấy rất cực rồi, còn cô chú là làm quanh năm suốt tháng. Nếu là 5 tiếng đồng hồ Phúc làm không nổi thực sự, chắc được 1 tiếng thôi”.
Trong “cuộc đua” chọn ra “nong-dân” năng suất nhất, Misthy rất biết “hơn thua” tìm cách “chiêu trò” dụ Thùy Tiên và Đức Phúc phân tâm, còn mình nhờ sự trợ giúp của chú Phụng để tìm hái gương sen chất lượng. Mọi thứ còn quá mới mẻ với các “nong-dân tập sự” nên nhiều tình huống dở khóc dở cười xảy ra khiến khán giả nhiều phen cười ra nước mắt.
Sau một buổi làm việc đầy sự cố gắng và nhiều tiếng cười, các “nong-dân tập sự” được vợ chồng chú Phụng mời ở lại dùng bữa cơm. Với Thùy Tiên, Misthy và Đức Phúc có lẽ đây là bữa cơm đặc biệt nhất tại “nong-dân” khi lần đầu được ăn trưa trên ruộng, với những món ăn bình dị đậm chất miền Tây. Đặc biệt, vợ chồng chú Phụng đã tự tay chuẩn bị một số món ăn làm từ sen như cơm sen-loài cây mà 3 nghệ sĩ vừa cùng nhau trải nghiệm lao động.
Bên bữa cơm, chú Phụng cũng chân thành chia sẻ: “Cây sen có sức sống mãnh liệt lắm, trồng lớn là không bỏ bộ phận nào hết, như: cái hoa, lá rồi nhụy đều dùng làm trà được, cây sen già kéo ra lấy tơ dệt,... Khi trồng rồi mới biết quả thực sen gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. Còn vốn dĩ nông dân là nghề cực khổ, đồ mồ hôi mà. Nghề nông cũng đóng góp cho xã hội, còn người trẻ như các bạn cũng đóng góp ở những lĩnh vực khác. Chúc cho các bạn có sức khỏe, vươn lên mạnh mẽ như cây sen vậy”.
Hơn cả một series giải trí, điều khán giả cảm nhận và đánh giá cao ở chương trình đó là những hình ảnh, câu chuyện của nông sản, người nông dân được đưa đến một cách gần gũi, bình dị để các bạn thuộc thế hệ trẻ có sự gắn kết gần hơn với những giá trị truyền thống. Bên cạnh đó, người xem cũng thấy một mặt khác của hoa hậu, nghệ sĩ hay hot streamer gác lại sự nổi tiếng cũng có thể lao động lam lũ, chăm chỉ như một người nông dân thực sự. Chương trình “nong-dân” gồm 6 tập, lên sóng vào 20h thứ Năm hằng tuần trên kênh YouTube Nong Tiên Official.
Linh An