Mâm cúng vía Thần Tài thường có trứng, tôm hoặc cua biển, thịt quay – hay còn được gọi là “tam sên”. Ngoài ra, dân gian còn cúng cả hoa quả tươi, bánh kẹo.
Tương truyền, từ thời xa xưa, vị thần cai quản tiền bạc, tài lộc trên thiên đình trong một lần say rượu đã rơi xuống trần gian. Do đầu đập vào đá, không nhớ mình là ai nên ông thường đi xin ăn khắp nơi. Nhưng kỳ lạ là, khi vị thần ấy đi đến cửa tiệm nào xin ăn thì khách cũng đều kéo vào rất đông.
Sau này khi đã nhớ ra mọi chuyện, ông bay về trời. Từ đó, người dân đã lập bàn thờ để tưởng nhớ Thần Tài. Và hàng năm, mọi người cũng lấy ngày ông về trời, mùng 10 tháng Giêng âm lịch, để làm ngày vía Thần Tài.
Theo chuyên gia văn hóa Dương Hoàng Lộc, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tôn giáo, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM), mâm cúng ngày vía Thần Tài thường có bộ tam sên gồm: 1 miếng thịt heo luộc, trứng luộc và tôm (hoặc cua) luộc.
Ngoài ra, tuỳ theo văn hoá mỗi vùng miền, mâm cúng ngày vía Thần Tài sẽ có những lễ vật khác nhau nhưng có thể sẽ có thêm những món dưới đây:
- 1 con cá lóc nướng nguyên con (với miền Nam)
- Hoa quả tươi: Chuối, cam, xoài, thanh long, táo, dưa hấu…
- 1 lọ hoa tươi (có nụ, có hương thơm càng tốt)
- 1 bộ giấy tiền, vàng mã
- Thuốc lá (cả bao, có 2 điếu thuốc thò đầu ra)
- 1 đĩa gạo
- 1 đĩa muối hạt
- 3 cốc nước, 2 chén rượu
- 2 cây đèn, 2 bát hương, khay vàng giấy
- 5 củ tỏi (mang ý nghĩa xua đuổi tà ma)
- Bát nước đầy rắc cánh hoa hồng ở trên (mang ý nghĩa giữ cho tiền bạc không bị trôi đi, thường được các gia đình đặt trên nền đất ngoài cùng ban thờ).
- Tượng Ông Cóc (đặt bên trái ban thờ với ý nghĩa đón sinh khí, tài lộc. Ban ngày quay tượng ra ngoài và tối quay vào trong).
Lưu ý gạo, muối sau khi cúng xong thì bỏ vào trong lọ và để trong nhà, không nên đổ đi. Lộc cúng chỉ nên cho người trong nhà, không được mang cho người ngoài. Rượu và nước sau khi đã cúng thì phải đem tưới xung quanh nhà.
Bánh kẹo đã cúng xong thì giữ lại 1 nửa để ăn, 1 nửa đem đi phát lộc. Vàng thật thì nên cất giữ bên mình để lấy may, còn tiền vàng mã đem đốt ở ngoài cổng.
Về nguyên tắc bày biện mâm cúng Thần Tài sao cho hài hòa và hợp phong thủy, bạn nên lưu ý:
- Phía bên trái bàn thờ đặt tượng Thần Tài, phía còn lại đặt tượng Ông Địa.
- Gạo, muối và nước được đặt ở giữa hai ông.
- Lọ hoa tươi nên đặt bên phải bàn thờ, phía bên kia đặt mâm quả.
Những lễ vật còn lại bạn có thể cân đối sắp xếp vào những vị trí trống sao cho phù hợp, gọn gàng và không gây cản trở việc di chuyển của mọi người.
Thần Tài là vị thần được dân gian cho là người mang lại của cải, giàu sang cho gia chủ. Ông thường được biết đến với hình ảnh là một ông lão râu tóc bạc phơ, trên tay cầm thỏi vàng, có chiếc bụng to và luôn mang vẻ mặt hiền lành, phúc hậu.
Người Việt Nam có thể cúng Thần Tài hằng ngày. Tuy nhiên, ngày vía Thần Tài vào mùng 10 tháng Giêng âm lịch được người Việt coi là ngày quan trọng nhất.
Theo Vietnamnet