Dấu hiệu đầu tiên để biết mình đã thành thiếu nữ là xuất hiện hành kinh. Giai đoạn này, trẻ rất lo lắng, ngại ngùng, bối rối khi thấy máu chảy ở vùng kín. Trẻ thường lúng túng khi xử lý tình huống mỗi khi đến tháng.
Hơn nữa trong những ngày đèn đỏ, sức đề kháng của cơ thể giảm sút, do vậy cha mẹ cần dạy bé cách chăm sóc cơ thể và vệ sinh vùng kín đúng cách để bảo vệ sức khỏe.
Hiểu đúng về chu kỳ kinh nguyệt và các giai đoạn
Chu kỳ kinh nguyệt là sự thay đổi về mặt sinh lý được điều hành bởi hệ hormone sinh dục ở cơ thể của nữ giới. Trong mỗi chu kỳ hành kinh, cơ thể người phụ nữ sẽ rụng từ 1 - 2 trứng và có một trứng được phóng ra. Lúc này, một số bộ phận khác của cơ quan sinh dục sẽ phối hợp làm việc: nội mạc sẽ bao phủ toàn bộ tử cung và xây dựng theo dạng đồng bộ hóa để sẵn sàng làm tổ cho trứng được thụ tinh và hình thành bào thai.
Trong trường hợp trứng phóng ra mà không được thụ tinh với tinh trùng, lớp nội mạc sẽ không cần thực hiện chức năng làm tổ cho trứng. Khi đó, lớp nội mạc sẽ bong ra và chu kỳ kinh nguyệt ở nữ giới bắt đầu.
Dấu hiệu đầu tiên để biết mình đã thành thiếu nữ là xuất hiện hành kinh.
Như vậy, nếu kinh nguyệt xuất hiện hàng tháng tức là bạn không có thai. Một chu kỳ ở nữ giới thường sẽ diễn ra từ 3 - 7 ngày tùy từng người. Khoảng thời gian giữa các chu kỳ cách nhau từ 28 - 30 ngày, một số trường hợp có thể cách nhau đến 35 ngày.
Các giai đoạn trong một chu kỳ kinh nguyệt
Chu kỳ kinh nguyệt của mỗi người bắt đầu từ khi bước vào tuổi dậy thì (khoảng 12 - 17 tuổi) cho tới khi hết độ tuổi mãn kinh (khoảng 45 - 55 tuổi). Một chu kỳ kinh hành kinh gồm các giai đoạn sau:
- Giai đoạn kinh nguyệt hay còn gọi là giai đoạn hành kinh. Giai đoạn này xảy ra khi trứng ở chu kỳ trước không được thụ tinh hoặc quá trình mang thai không xảy ra. Khi đó, lớp niêm mạc tử cung bị bong ra và rời khỏi cơ thể thông qua âm đạo, nồng độ Estrogen và Progesterone giảm xuống, trứng sẽ được giải phóng ra ngoài kèm theo đó là máu, chất nhầy, niêm mạc tử cung và hình thành nên kinh nguyệt.
- Giai đoạn nang trứng: Giai đoạn này xảy ra song song với giai đoạn hành kinh. Giai đoạn nang trứng bắt đầu khi ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt diễn ra và kết thúc khi rụng trứng.
- Giai đoạn rụng trứng. Đây là giai đoạn duy nhất trong chu kỳ mà bạn có thể mang thai. Khi buồng trứng giải phóng một quả trứng trưởng thành, trứng sẽ di chuyển về phía ống dẫn trứng đến tử cung và được thụ tinh bởi tinh trùng.
- Giai đoạn hoàng thể. Giai đoạn này xảy ra khi nang trứng giải phóng trứng. Khi đó, cơ thể giải phóng hormone Progesterone và một số Estrogen. Nồng độ hormone này tăng cao giúp cho niêm mạc tử cung dày lên và sẵn sàng cho quá trình thụ tinh tiếp theo.
Chu kỳ kinh nguyệt của mỗi người bắt đầu từ khi bước vào tuổi dậy thì (khoảng 12 - 17 tuổi) cho tới khi hết độ tuổi mãn kinh (khoảng 45 - 55 tuổi).
Việc chủ động tìm hiểu những kiến thức cơ bản về chu kỳ kinh nguyệt để biết cách chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của chính mình, nhất là các bé gái mới lớn là việc làm cần thiết.
Trong những ngày đèn đỏ, cần dạy bé cách chăm sóc bản thân mình cẩn thận hơn những ngày khác.
Các em nên làm việc nhẹ, đi lại nhẹ nhàng, không tập các môn thể thao đòi hỏi nhiều sức lực.
Trong các môn thể dục thể thao, vẫn duy trì các môn nhẹ nhàng như đi bộ, thể dục tay không, bóng bàn, yoga… Cần tránh các môn gắng sức như đẩy tạ, môn bơi lặn.
Không nên đi xa, đi du lịch xa vì cơ thể dễ mệt mỏi.
Nếu các em bị đau bụng khi có kinh thì cần phải nằm nghỉ ngơi, chườm ấm vùng bụng dưới.
Chế độ ăn uống phải đủ chất dinh dưỡng tăng cường chất đạm, chủ yếu là đạm động vật như thịt heo, thịt bò, tim gan, trứng và thức ăn có nhiều canxi giúp cho quá trình cầm máu, đông máu được tốt cũng như các thức ăn bồi bổ khác đủ cân bằng đạm, đường, chất béo, muối khoáng vitamin và chất xơ.
Cần tránh các thức ăn có tính kích thích như rượu, bia, gia vị mạnh.
Vệ sinh đúng cách:
Người lớn cần hướng dẫn các em biết vệ sinh đúng cách những ngày đèn đỏ. Trong những ngày này, máu ứ đọng lại trong vùng chậu và cơ quan sinh dục nhiều. Vi khuẩn phát triển nhanh chóng trong máu kinh. Vì vậy, bé cần tắm rửa sạch sẽ và thường xuyên hơn, trung bình từ 2 - 3 lần trong ngày.
Khoảng 3 - 4 tiếng nên thay băng vệ sinh một lần, nhất là những ngày thứ nhất, thứ hai của chu kỳ kinh nguyệt. Mỗi lần thay băng phải rửa sạch bộ phận sinh dục bằng nước sạch, lưu ý không nên xối hay xịt nước quá sâu vào bên trong âm đạo. Sau đó dùng khăn sạch, lau khô rồi mới đóng băng vệ sinh mới.
Cha mẹ cũng cần dạy con đề phòng và tránh các bệnh vùng kín như viêm nhiễm, khí hư có mùi… khi vệ sinh không sạch sẽ để các em biết. Tuy nhiên điều cần lưu ý là, trẻ mới lớn chưa cần thiết phải dùng đến các loại dung dịch vệ sinh phụ nữ bởi axít trong các dung dịch này có thể làm thay đổi môi trường âm đạo.
Cha mẹ cũng cần lưu ý giáo dục con kiến thức về giới tính và quan hệ tình dục vì rất có thể con sẽ có thai nếu không biết bảo vệ mình. Điều này gây nguy hại cho sức khỏe sinh sản và tâm lý của con trước ngưỡng cửa cuộc đời.
Theo dõi chu kỳ kinh nguyệt
Theo dõi chu kỳ kinh nguyệt rất có ích bởi nó sẽ giúp bạn kiểm soát được tình trạng cơ thể của chính mình. Để tính chu kỳ hành kinh, bạn cần thực hiện một số bước sau:
Đầu tiên, bạn hãy đánh dấu ngày bắt đầu kỳ kinh nguyệt đầu tiên của tháng này.
Tiếp theo, theo dõi liên tục ngày bắt đầu của chu kỳ tiếp theo và tiếp tục đánh dấu.
Khoảng cách các ngày giữa hai chu kỳ vừa ghi nhớ chính là thời gian kỳ kinh nguyệt của bạn.
Bách Nguyên (Theo songkhoe)