Trong báo cáo mới nhất, Tổ chức bảo vệ lừa từ Anh, The Donkey Sanctuary, đã chỉ ra những nguy cơ nghiêm trọng về an toàn sinh học do thiếu kiểm soát hoạt động buôn bán da lừa, mà phần lớn là bất hợp pháp.
– Báo cáo mới từ The Donkey Sanctuary đã xác định các mối đe dọa an toàn sinh học, vốn chưa được công nhận trước đây, đối với các loài thuộc chi ngựa và con người do buôn bán da lừa.
– Thử nghiệm được thực hiện trên 108 mẫu da lừa từ một lò mổ ở Kenya cho thấy 88 mẫu trong số đó mang vi khuẩn tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus – S. Aureus), trong đó có 44 mẫu dương tính với tụ cầu vàng kháng methicillin (MRSA) và ba mẫu dương tính với PVL – độc tố gây ra viêm mô hoại tử ở người.
– Các bệnh truyền nhiễm từ động vật là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe cộng đồng trên toàn thế giới – các phương pháp giết mổ không hợp vệ sinh đang tạo ra nhiều mối nguy lớn về an toàn sinh học.
– Việc buôn bán da lừa trên toàn cầu một cách tàn nhẫn và vô nhân đạo đã làm tổn thương nghiêm trọng loài lừa và các cộng đồng phụ thuộc vào chúng.
– Những phát hiện từ báo cáo “Các Rủi ro An toàn sinh học và Hệ quả đối với Sức khỏe Con người và Động vật” được thực hiện trên quy mô toàn cầu, vừa qua đã được thảo luận tại Hội nghị về Lừa của Cục tài nguyên động vật – Liên minh Châu Phi (AU-IBAR Pan-African) ở Tanzania vào ngày 1–2 tháng 12 năm 2022.
Hàng năm, hơn 4,8 triệu con lừa bị buôn bán và giết mổ để lấy da. Hoạt động buôn bán da lừa trên toàn cầu đã gây ra sức tàn phá khủng khiếp cho loài lừa và các cộng đồng phụ thuộc vào lừa. Báo cáo mới từ The Donkey Sanctuary cho thấy hoạt động buôn bán này cũng đang góp phần tạo ra những rủi ro đáng kể, vốn chưa được công nhận trước đây, đối với an ninh sinh học quốc tế.
Báo cáo Các Rủi ro An toàn sinh học và Hệ quả đối với Sức khỏe Con người và Động vật trên quy mô toàn cầu đã đưa ra những kết quả của quá trình thí nghiệm da lừa do The Donkey Sanctuary và Viện nghiên cứu chăn nuôi quốc tế ở Kenya (ILRI) thực hiện. Xét nghiệm này xác định nhiều mẫu bệnh phẩm nhiễm vi khuẩn tụ cầu vàng (S. Aureus) và bệnh ngựa châu Phi (AHS). Đối với những mẫu da bị nhiễm S.aureus, 44 trên 108 mẫu được thử nghiệm phát hiện mang tụ cầu vàng kháng methicillin (MRSA) và ba mẫu dương tính với PVL – độc tố gây ra viêm mô hoại tử ở người.
Hiện nay, Việt Nam là một trong những điểm đến tiêu thụ da lừa và là đầu mối trung gian đưa da lừa đến Trung Quốc, thị trường có nhu cầu lớn nhất thế giới. Mặc dù chưa có số liệu chính thức về tình hình nhập khẩu da lừa, nhưng nhiều báo cáo điều tra từ các đơn vị vận chuyển và tổ chức bảo vệ động vật trên toàn cầu, đã cho thấy thực trạng đáng chú ý tại Việt Nam.
Dữ liệu từ đơn vị vận chuyển Panjiva đã xác định 1.600 lô hàng thuộc mã 41020, trị giá 95 triệu USD, gửi đến Trung Quốc, Hồng Kông, Thái Lan, Hàn Quốc và Việt Nam trong khoảng thời gian từ tháng 2 năm 2017 đến tháng 2 năm 2022. Mặc dù mã sản phẩm 410120 còn thiếu tính cụ thể khiến cho việc phân tích chính xác những gì có trong mỗi lô hàng trở nên bất khả thi, phần lớn sản phẩm được liệt kê là da lừa hoặc da ngựa. Các đơn vị xuất khẩu cũng được xác định là các nhà xuất khẩu da lừa có tiếng và người nhận là các nhà nhập khẩu da lừa. Phân tích từ dữ liệu này đã cho thấy da lừa có thể được lấy và vận chuyển từ nhiều quốc gia khác nhau hơn so với những gì chúng ta đã biết. Bên cạnh đó, cơ sở dữ liệu vận chuyển của Tradeatlas và Volza cũng chỉ ra 97 lô hàng mang mã 410120 gửi đến Trung Quốc trong khoảng thời gian từ tháng 1 năm 2015 đến tháng 2 năm 2022, ngoài ra còn có 184 chuyến hàng đến Hồng Kông và 50 chuyến hàng đến Việt Nam.
Mặc dù hiện nay chúng ta đã biết nhiều hơn về cách thức giao dịch của hoạt động buôn bán da lừa, nhưng vẫn còn nhiều điều cần được khám phá. Các cuộc điều tra của The Donkey Sanctuary đã làm sáng tỏ cơ chế hoạt động, nhưng vẫn còn một khoảng cách lớn giữa số lượng lừa bị giết mổ để buôn bán hàng năm và những con số được ghi nhận trong các chuyến hàng. Nguyên nhân của việc nhập khẩu và vận chuyển da lừa đến Trung Quốc, Việt Nam và Hồng Kông cũng chưa được xác định rõ ràng.
Do vậy, chính phủ Việt Nam cần có những quy định chặt chẽ liên quan đến các sản phẩm từ da lừa, đồng thời tuyên truyền thông tin về những rủi ro khi sử dụng da lừa. Điều này sẽ hỗ trợ rất nhiều cho nỗ lực loại bỏ nạn buôn lậu và sử dụng trái phép da lừa tại Việt Nam.
Nhu cầu về da lừa được thúc đẩy bởi việc sản xuất “ejiao”, một phương thuốc truyền thống của Trung Quốc hay còn được biết đến với tên gọi cao da lừa. Một số người tin rằng loại cao này có đặc tính chữa bệnh. Tuy nhiên, sử dụng da lừa trong quy trình sản xuất “eijao” tiềm ẩn rất nhiều các tác nhân gây bệnh. Nguyên nhân nằm ở việc giết mổ bừa bãi, không đảm bảo vệ sinh với số lượng lớn (bao gồm cả những con lừa bị bệnh), cũng như quy cách vận chuyển và tình hình buôn bán phức tạp của mặt hàng này trên toàn cầu.
Ngoài nguy cơ sức khỏe tức thì đối với người và ngựa khi tiếp xúc, những tấm da lừa còn có khả năng tác động đáng kể tới an toàn sinh học của các quốc gia. Những mầm bệnh chưa được phát hiện ở quốc gia nguồn hoàn toàn có thể được vận chuyển thông qua da lừa và bùng phát tại điểm đến, gây nguy hiểm cho cộng đồng địa phương nước nhập khẩu.
Điều đáng báo động là việc buôn bán da lừa hiện đang hoạt động mà không có các quy trình thú y và an toàn sinh học đầy đủ. Nguồn gốc của các lô hàng không được kiếm soát khiến cho chúng ta không thể theo dõi hay truy vết được nguồn da bị nhiễm khuẩn khi có vấn đề xảy ra.
Nguyên nhân chính gây ra các nguy cơ về an toàn sinh học trong hoạt động buôn bán da lừa là ở điều kiện giết mổ kém và không đảm bảo vệ sinh, đặc biệt là khi các nhóm động vật lớn từ nhiều quần thể khác nhau được tập hợp lại. Phần lớn việc giết mổ lừa đều hoạt động bất hợp pháp ở nơi không đạt tiêu chuẩn, và điều này làm nguy cơ da lừa bị nhiễm khuẩn từ nhiều nguồn khác nhau tăng cao. Đồng thời, khi nhiều loài bị giết mổ tại cùng một địa điểm thì sẽ gây thêm nguy cơ lây nhiễm chéo.
Tuy nhiên, ngay cả da lừa xử lý tại các lò mổ được cấp phép cũng vẫn mang rủi ro về an toàn sinh học. Tất cả các mẫu da bị ô nhiễm được The Donkey Sanctuary xác định đều có nguồn gốc từ một lò mổ được cấp phép ở Kenya. Ngay trong cùng thời điểm các mẫu nhiễm khuẩn được thu thập, cơ sở này cũng xuất đi nhiều lô hàng da lừa tới Trung Quốc, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.
Những kết quả và phát hiện từ báo cáo mới đây cũng được trình bày và thảo luận tại Hội nghị về Lừa của Cục tài nguyên động vật – Liên minh Châu Phi (AU-IBAR Pan-African) ở Tanzania vào ngày 1–2 tháng 12 năm 2022.
Các nguy cơ chính và vật trung gian truyền bệnh
Trong các mẫu do The Donkey Sanctuary lấy và thử nghiệm, các bệnh được xác định cho thấy mối nguy hiểm cao đối với sức khỏe của cả người và ngựa, ngay cả khi đã được vận chuyển qua một khoảng cách xa.
Vi khuẩn tụ cầu vàng (S. Aureus) có khả năng tồn tại trong thời gian dài trên da được bảo quản kém, nghĩa là nó có thể lây nhiễm cho người và động vật từ điểm giết mổ, trong quá trình vận chuyển, cho tới khi giao đến quốc gia nhập hàng. Trong khi đó, những côn trùng có khả năng truyền bệnh khi hút máu (Cullicoides midge) lại mang theo mầm bệnh ngựa châu Phi (AHS). Chúng có khả năng sống sót sau hành trình dài trong các công-ten-nơ vận chuyển và lây nhiễm cho vật chủ mới là ngựa tại điểm đến.
The Donkey Sanctuary đang kêu gọi chính phủ Trung Quốc, Hồng Kông, Việt Nam và Thái Lan ngừng nhập khẩu da lừa khẩn cấp, đồng thời kêu gọi chính phủ của các quốc gia xuất khẩu da lừa thực hiện các bước ngăn chặn việc buôn bán da lừa ngay lập tức.
Linh An